Theo dõi Báo Hànộimới trên

Máy bay không thành phần cơ khí chuyển động lần đầu cất cánh thành công

Hoàng Linh| 25/11/2018 08:09

(HNMO) - Khi con người đã quá quen với những chiếc máy bay giấy, diều hay dù lướt gió, một phát minh mới lại xuất hiện hết sức lý thú - máy bay không cần tới các chi tiết cơ khí chuyển động.


Khác với những loại hình “lượn” nói trên, khái niệm máy bay mới này có thể di chuyển khá linh hoạt dựa vào một nguyên lý vật lý vốn đã có từ đầu thế kỉ XX. Theo đó, khi có sự chênh lệch điện áp giữa hai điện cực, không khí ở giữa sẽ chuyển động, tạo ra gió thông qua một chu trình liên quan tới điện trường. Khi có đủ lượng gió được tạo ra, lực đẩy sẽ xuất hiện, khiến điện cực (và những gì chúng gắn vào) chuyển động.

Gió được tạo ra theo cách nói trên được gọi là gió ion. Theo các nhà khoa học tại Học viện kĩ thuật Massachusetts (MIT) của Mỹ, nguyên tắc như vậy có thể khiến bất kì vật thể nào cũng có thể bay mà không cần tới các thành phần cơ học chuyển động. Dựa trên điều đó, họ đã tạo ra chiếc máy bay thử nghiệm vào đầu tháng 11 này, với trọng lượng chỉ 2kg, dù có chiều dài lên tới 5m. Những lần bay đầu tiên đã cho thấy việc tạo ra một chiếc máy bay có thể lơ lửng theo cách này là hoàn toàn khả thi. Chúng thậm chí không sinh tiếng động, và hết sức thân thiện với môi trường.


Tuy nhiên, hiện tại các kĩ sư mới chỉ có thể chuyển 2,6% năng lượng đầu vào thành lực đẩy, cho phép chiếc máy bay nói trên di chuyển trong khoảng 10 giây, đạt khoảng cách 60m.

Dĩ nhiên con số trên chưa thực sự ấn tượng, tuy nhiên, nếu biết rằng anh em nhà Wright chỉ duy trì được 12 giây trong lần thử nghiệm bay đầu tiên, nhưng cũng đủ để mở ra kỉ nguyên rực rỡ của ngành công nghiệp hàng không thế giới, thì mọi thứ dường như đều có thể xảy ra với hướng tiếp cận rất mới mẻ này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Máy bay không thành phần cơ khí chuyển động lần đầu cất cánh thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.