Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đã tính đến động đất trong xây dựng công trình

Khánh Vũ - Dạ Khánh| 28/11/2019 07:20

(HNM) - Tuần qua, sau khi hai trận động đất mạnh 5,7 và 5,4 độ richter xảy ra tại Lào và tỉnh Cao Bằng gây dư chấn nhẹ tại Hà Nội, dư luận đặt câu hỏi liệu có thể xảy ra động đất tại Hà Nội và khả năng chống đỡ của các công trình trong trường hợp có rung chấn lớn xảy ra.

Hà Nội ít chịu ảnh hưởng của động đất

Về trận động đất mạnh 5,4 độ richter xảy ra ngày 25-11 vừa qua tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, gây ra dư chấn nhẹ tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, cho biết: Cao Bằng nằm trong đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên. Với cường độ 5,4 độ richter, đây là trận động đất thuộc loại mạnh ở Việt Nam nhưng thuộc loại trung bình của thế giới. Lần động đất trên 5 độ richter gần đây nhất được ghi nhận xảy ra ngoài biển Vũng Tàu (5,1-5,2 độ richter) vào năm 2005. Với cường độ 5,4 độ có thể khiến người dân ở khu vực tâm chấn và phụ cận cảm nhận được sự rung lắc. Các trận động đất sau sẽ giảm dần cường độ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa lý ứng dụng, mặc dù Hà Nội nằm trên đới đứt gãy sông Hồng, song khả năng xảy ra động đất rất hiếm. Việt Nam cũng là nước ít chịu ảnh hưởng của động đất. Các trận động đất cường độ nhỏ hơn xảy ra sau trận có cường độ 5,4 độ, cũng tại Cao Bằng vừa qua là hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên, bởi sau trận động đất chính, thông thường sẽ có dư chấn.

Các công trình xây dựng đều được tính toán kháng chấn

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, người dân Hà Nội có thể yên tâm bởi vì các công trình xây dựng gần đây đều đã tính tới động đất khi thiết kế, thi công. Từ năm 1991, các cơ quan liên quan đã nghiên cứu hoàn chỉnh bản đồ phân vùng nhỏ động đất của Hà Nội. Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và được nâng thành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 năm 2012. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán kháng chấn cho công trình. “Trên cơ sở bản đồ phân vùng động đất, từng công trình được tính toán và thiết kế chịu tác động của động đất với xác suất lớn hơn, để bảo đảm an toàn và hạn chế hư hỏng”, ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP, Bộ Xây dựng, cũng cho rằng, theo phân vùng động đất, Hà Nội nằm trong khu vực động đất nhỏ. Với quan điểm kháng chấn hiện đại, cùng với việc kiểm soát tốt an toàn chịu lực, khó có thể xảy ra nứt vỡ công trình, mà chỉ có thể gây ra hiện tượng đồ đạc trong nhà như đèn treo, quạt trần rung lắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Khanh cũng bày tỏ lo ngại: "Với các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, do tiêu chuẩn cũ, cộng với việc nhiều chung cư đã xuống cấp, nguy cơ thiếu an toàn sẽ cao hơn khi xảy ra động đất".

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc các công trình ở Hà Nội có thể chịu động đất đến cường độ nào, ông Nguyễn Hoài Nam, Phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay: "Theo TCVN 9386:2012, cấp độ động đất được tính theo đỉnh gia tốc nền (dao động trên mặt đất). Các công trình xây dựng tại Hà Nội đều được tính toán kháng chấn tương đương cấp độ 7, 8. Sở Xây dựng đều kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng tiêu chuẩn chịu động đất trong các hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án; đồng thời đánh giá bảo đảm an toàn chịu lực của công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thành phố cũng đã có các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng trong quá trình thi công công trình".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đã tính đến động đất trong xây dựng công trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.