Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Bước đi đột phá tạo dấu ấn lịch sử

Hiền Lương| 07/10/2022 06:21

(HNM) - Đối với thành phố Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa rất đặc biệt. Không chỉ có quy mô lớn với chiều dài 112,8km, dự kiến tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chia thành 7 dự án thành phần..., mà dự án còn tạo bước đi có tính đột phá, đặt một dấu ấn lịch sử trên chặng đường xây dựng và phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quang Thái

Trục liên kết vùng

Ách tắc giao thông là lực cản đối với phát triển, buộc chúng ta phải trả giá rất nhiều cả về thời gian, công sức, lẫn cơ hội và tiền bạc. Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines đã phải mất 20-30 năm để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, đến nay cũng mới chỉ khắc phục được một phần. Thủ đô Manila đóng góp khoảng 30% cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines, nhưng theo tính toán, hằng năm, tắc nghẽn giao thông ở đây đã làm giảm đi tương ứng 8% GDP.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Hà Nội, hiện nay áp lực đối với đường Vành đai 3 rất lớn, tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội mà việc lưu chuyển hàng hóa từ khu vực phía Nam lên phía Bắc cũng đang bị ách tắc. Do đó, xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ mở ra cơ hội cho Vùng Thủ đô mà còn tạo đà lưu thông, phát triển kinh tế hàng hóa trong cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vốn là kỹ sư tổ chức giao thông, từng nhiều năm giữ cương vị Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội rất quan trọng, gần như là một lối thoát có tính chất quyết định để giải quyết ùn tắc giao thông của nội đô; giúp Hà Nội tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị, trở thành đô thị hiện đại, có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội ra đời không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, như trục xương sống để tách giao thông liên tỉnh ra khỏi giao thông nội đô, giảm áp lực cho giao thông nội đô. Toàn bộ những chuyến quá cảnh, những chuyến trung chuyển sẽ qua Vành đai 4 để kết nối với 6 cao tốc, 8 đường quốc lộ và 9 đường trục chính của Vùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội còn góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của Hà Nội mà còn của các địa phương ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội), đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ giúp làm giảm chi phí vận chuyển, logistics; tạo tiền đề cho Hà Nội và các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Ông dự báo, tuyến đường sau khi hình thành có thể giúp tổng sản phẩm trên địa bàn các địa phương tăng thêm từ 0,3% đến 0,7%/năm. 

Ngoài ra, đối với thị trường bất động sản, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bổ sung hàng nghìn héc ta đất đai để phát triển bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở với đa dạng các phân khúc; chắc chắn sẽ tạo nên một “cú hích” kích thích thị trường phát triển sôi động; tạo cơ hội và điều kiện cho nhiều người có nhà ở, nâng cao đời sống người dân trong vùng.

Nhiều ý kiến khẳng định đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là trục liên kết vùng, trở thành con tàu kéo cả Vùng Thủ đô phát triển và tiến về phía trước. Với khả năng kết nối giao thông cùng những lợi ích và tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực, dự án thực sự là bước đi đột phá, một dấu ấn lịch sử.

Yêu cầu cao về chất lượng 

Để phát huy hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng thiết kế, tuổi thọ công trình.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những công trình "để đời", nên việc thực hiện phải bảo đảm tính chất phục vụ lâu dài; trong đó phải tìm nhà thiết kế có uy tín để tư vấn và thiết kế… Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), cần phải coi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Vì vậy phải làm cho thật tốt, thật chất lượng. “Tôi đề nghị phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thật tốt, cao cấp nhất để có thể bảo đảm con đường sử dụng được khoảng 100 năm”, ông Nguyễn Anh Trí nói.

Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nêu rõ mục tiêu đây là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với những dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực tế một số địa phương, không chỉ có Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh (nơi có dự án đi qua) mà ngay cả các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án như Vĩnh Phúc đã có kế hoạch triển khai những dự án đường đấu nối với Vành đai 4 gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị... nhằm sớm tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế mà tuyến đường mang lại. Việc này nên được triển khai đồng bộ trên cả Vùng Thủ đô thay vì để còn có biểu hiện tự phát như hiện nay; bảo đảm xây dựng nên những khu đô thị, khu công nghiệp, các cảng cạn quy mô lớn, các vùng nuôi trồng tập trung, các địa điểm dịch vụ, các tuyến du lịch... thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP hằng năm. Để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi sự chủ động, tích cực của mỗi địa phương, mà còn cần vai trò nhạc trưởng của Chính phủ và sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành trung ương.

Tuy nhiên, trước khi có thể đón nhận những hiệu ứng ấn tượng mà đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có thể mang lại, Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh phải hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao khoảng 70% mặt bằng vào tháng 6-2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31-12-2023. Đây là nhiệm vụ trước mắt và cũng là nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách nhất.

Lưu ý về nhiệm vụ này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đã yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, nơi có dự án đi qua cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm giải phóng mặt bằng đầu tư dự án làm cơ sở để các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, từng địa phương phải có giải pháp tăng cường vận động, thuyết phục người dân đồng thuận, ủng hộ và chấp hành các cơ chế, chính sách theo quy định của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng trước thời gian yêu cầu của Chính phủ cũng như của thành phố. Cùng với đó là giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bảo đảm không phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó đưa phong trào thi đua đến với từng người dân, từng hộ dân, từng thôn, xóm.

Thực hiện thành công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đòi hỏi sự cố gắng thực hiện từng bước vững chắc, nhất là khâu đầu tiên và khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. “Đầu có xuôi thì đuôi sẽ lọt”, giải phóng mặt bằng thành công, bảo đảm tiến độ thì dự án chắc chắn sẽ về đích đúng hẹn. Khi ấy, tầm nhìn, khát vọng gắn với con đường Vành đai 4 sẽ biến thành động lực vươn tới, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho Vùng Thủ đô và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bước đi đột phá tạo dấu ấn lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.