Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp giảm lệ thuộc nguồn nguyên liệu ngoại nhập

ĐẶNG LOAN| 04/06/2014 06:37

(HNM) - Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa năm 2015 đạt 55%, năm 2020 đạt 65% và đạt 70% năm 2030. Trong điều kiện hiện tại, các hiệp định thương mại đang và sắp được thực thi cũng buộc các nước tham gia phải đáp ứng quy tắc xuất xứ mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi đang là động lực đối với các doanh nghiệp (DN).


Nguyên liệu "nuốt" thành tích xuất siêu

Tại hội thảo "Giải pháp thay thế nguồn nguyên vật liệu trong khối ASEAN ++" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) và Tạp chí Nhịp cầu doanh nghiệp vừa tổ chức, Phó Chủ tịch HUBA Phạm Ngọc Hưng cho biết: Năm 2013, Việt Nam tự hào xuất siêu nhưng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là nhập siêu từ một số nước Châu Á. Điển hình, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỷ USD bao gồm nông sản và các nguyên liệu thô; trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỷ USD, chủ yếu là các nguyên liệu cho sản xuất. Trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 12,45 tỷ USD gồm các nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nguyên vật liệu ngành dệt may, da giày…

Ngành dệt may đang nỗ lực tự chủ nguồn nguyên liệu để được hưởng ưu đãi từ TPP.


Theo thống kê, Việt Nam đang nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, Hàn Quốc 13,6%, Nhật Bản 10,2%, EU 7,7%, Đài Loan 7,5%... Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, mỗi năm các DN Việt Nam phải chi từ 250 đến 330 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu da và giả da từ các thị trường Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc bởi nguồn cung của các nhà máy thuộc da trong nước chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu. Là nước nông nghiệp nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam cũng phải nhập 60-70% nguyên liệu sản xuất. Năm 2013, ngành này đã phải chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khoảng 9,2 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ các nước Mỹ, Ấn Độ, Argentina, Ukraine. Nguyên liệu sản xuất của ngành nhựa cũng phải nhập khẩu đến 80%...

Tìm nguồn nguyên liệu thay thế

Theo bà Hồ Trang, Tổng Giám đốc Công ty Áo mưa Lucky, phần đông DN chọn nguồn nguyên liệu của Trung Quốc bởi ưu thế là giá rẻ. 5 năm trước đây, công ty này cũng phải chọn nguồn nguyên liệu của Trung Quốc để cạnh tranh về giá. Những năm gần đây, trước những thông tin về tác động của nguyên liệu Trung Quốc tới sức khỏe và chất lượng nguyên vật liệu không ổn định nên Lucky đã dần tìm nguồn nguyên liệu từ nước thứ ba để thay thế. Theo bà Hồ Trang, việc "từ chối" nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không phải dễ vì người tiêu dùng tạm thời khó chấp nhận được việc thay đổi giá sản phẩm. Dù vậy, các DN nhỏ yếu về vốn vẫn nên cần có quá trình chuyển đổi dần sang nguồn nguyên liệu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Theo Hiệp hội nhựa, các DN ngành nhựa cũng lên kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế và đang có xu hướng tăng nhập khẩu từ Singapore bởi sắp tới, thuế suất nhập khẩu trong các nước ASEAN là bằng 0%.

Bên cạnh việc tìm thị trường thay thế, hiện nhiều DN đã chuẩn bị vùng nguyên phụ liệu cho mình như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang triển khai các dự án chuỗi nhà máy dệt - nhuộm - may để khép kín quy trình sản xuất. Vinatex cho biết trong năm 2014 sẽ đầu tư thêm 5.000 tỷ đồng cho các dự án phát triển nguyên phụ liệu, trong đó tập trung đến các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Mục tiêu của Vinatex là đạt 30.000ha diện tích cây bông vải vào năm 2015 và 76.000ha vào năm 2020…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giảm lệ thuộc nguồn nguyên liệu ngoại nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.