Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Thái Sơn| 14/01/2016 06:26

(HNM) - Trước năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và nước ta đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

LTS: Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước; cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông... đã tác động bất lợi đến nước ta. Trong nước, cùng với những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế chưa được giải quyết, những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, nhìn tổng quát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để làm rõ thêm nhận định trên, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài: "Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: Những thành quả quan trọng".


Bài 1: Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Trước năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và nước ta đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, Đại hội XI đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ là ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Đây cũng là những vấn đề căn bản trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Phát triển kinh tế biển là chiến lược được chú trọng và bước đầu đạt kết quả tích cực.


Quyết liệt khắc phục những tồn tại

Cần nhấn mạnh, đến Đại hội XI, tư duy phát triển của Đảng đã có bước đổi mới, từ phát triển nhanh sang phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt nhiệm kỳ 2011-2015. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ. Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế; muốn cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng và đạt hiệu quả, phải thực hiện gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ trương nêu trên của Đại hội XI đã đạt được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã được thể chế hóa và tổ chức thực hiện như một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

Khẩn trương đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 10/2011/QH13, ngày 8-11-2011, nhấn mạnh: "Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể"; đồng thời giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 399/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 và các nghị quyết, quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu các ngành, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Đến nay các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu, xây dựng và ban hành chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (năm 2011) cũng tiếp tục xác định cụ thể mục tiêu và công việc cần làm. Đó là cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Những kết quả ấn tượng

Do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) và khủng hoảng nợ công (năm 2010), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy không bằng giai đoạn trước nhưng vẫn đạt gần 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát (giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 5% năm 2015), kinh tế vĩ mô dần ổn định, cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; đã hình thành những mô hình mới và cách làm mới, sáng tạo. Với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là trên một số lĩnh vực trọng tâm, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện; bảo đảm hài hòa hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Đầu tư công được tập trung tái cơ cấu nên hiệu quả từng bước được cải thiện. Tỷ lệ tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm mạnh (còn 31% GDP), nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý. Tỷ trọng đầu tư công giảm dần, đầu tư ngoài nhà nước tăng lên; đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, vốn đăng ký giai đoạn 2011-2015 đạt trên 88 tỷ USD, thực hiện đạt 58,5 tỷ USD; đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm khoảng 42% tổng đầu tư toàn xã hội. Hệ thống các tổ chức tín dụng được khẩn trương sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu giảm dần, đến cuối năm 2015 còn khoảng 3%. Các công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm từng bước được cơ cấu hợp lý; quy mô thị trường ngày càng tăng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP, thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% GDP vào cuối năm 2015. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng thu được những kết quả tích cực. Cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo cơ chế thị trường được đẩy mạnh; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển; giá trị tài sản tăng; tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trong giới hạn quy định; các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt.

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, đạt khoảng 60% vào năm 2015. Tập trung cơ cấu lại ngành, lĩnh vực và sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị quốc gia, giá trị gia tăng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng, đạt trên 83% vào năm 2015. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn khoảng 46,5%. Vốn ODA ký kết khoảng 30 tỷ USD, giải ngân khoảng 23 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào phát triển kết cấu hạ tầng. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, năm 2014-2015 tăng trên 7,5%. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 3,9%/năm. Việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, tính đến hết năm 2015 có khoảng 1.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 20% tổng số xã trong toàn quốc. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ đạt bình quân 6,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 14,7%/năm…

Quy hoạch phát triển ngành, vùng, sản phẩm được rà soát, điều chỉnh phù hợp với kinh tế thị trường. Tập trung phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu. Thực hiện Chiến lược Biển, tăng cường phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là khai thác dầu khí, vận tải biển, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, du lịch biển, nuôi trồng thủy sản; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và đẩy mạnh khai thác xa bờ. Gắn kết phát triển các ngành kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.