Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đạt giá trị 1-2 tỷ đồng/ha/năm

Ánh Dương| 27/09/2018 13:41

(HNMO) - Ngày 27-9, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội (2013-2017). Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.


5 năm qua (2013-2017), ngành Nông nghiệp Thủ đô đã nỗ lực vượt khó đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao (quy mô trên 100ha) tại các huyện, thị xã; 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm ở các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất; phát triển một số mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, nhãn chín muộn (đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm), cam Canh (400-500 triệu đồng/ha/năm), măng tây (1-2 tỷ đồng/ha/năm), hoa ly (1,5 tỷ đồng/ha/năm).

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1-2 tỷ đồng/ha/năm; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp... Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội năm 2017 đạt 43.110 tỷ đồng, tăng 16,50% so với năm 2013...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt khoảng 2,5-3,0%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 347/386 xã trở lên, có 14 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70-75%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%...

Phó Chủ tịch yêu cầu các ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các khâu sản xuất, chế biến nhằm giảm giá thành sản phẩm; thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến áp dụng công nghệ cao; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020” đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5-12-2017…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đạt giá trị 1-2 tỷ đồng/ha/năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.