Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn lực để hoàn thành mục tiêu

Nguyễn Mai| 28/09/2018 06:53

(HNM) - Năm 2018, TP Hà Nội đặt mục tiêu có thêm ít nhất 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đã có 26 xã đăng ký hoàn thành...


Gấp rút hoàn thiện các tiêu chí

Xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Lê Văn Minh, đến nay, xã đã có 16/19 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Với các tiêu chí cơ bản đạt, địa phương đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các công trình trường học, nghĩa trang nhân dân, nhà văn hóa để sớm đưa vào sử dụng.

Xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) đang gấp rút hoàn thiện công trình trường học để đạt chuẩn nông thôn mới.


Tương tự, năm 2018, huyện Mỹ Đức phấn đấu có thêm 2 xã (An Mỹ và Xuy Xá) đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đánh giá của huyện, 2 xã này đều đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Hiện các xã đang tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí phù hợp với quy hoạch, cảnh quan môi trường. Huyện Sóc Sơn cũng đang tập trung cho 3 xã (Bắc Phú, Việt Long, Minh Phú); huyện Ba Vì tập trung cho 2 xã (Phú Cường và Chu Minh) hoàn thiện các tiêu chí để “cán đích” nông thôn mới trong năm 2018...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,1% tổng số xã. Năm 2018, thành phố đặt mục tiêu có thêm ít nhất 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hiện có 26 xã đăng ký hoàn thành. Qua kiểm tra của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, các xã này đã tập trung chỉ đạo khá quyết liệt ngay từ đầu năm 2018 và đạt được những kết quả khả quan. Ví như, xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) đã vận động nhân dân trồng lúa theo hướng “cánh đồng mẫu lớn”, "cánh đồng trồng một giống lúa", đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại huyện Mỹ Đức, từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều công trình đường giao thông nông thôn đã được triển khai xây dựng và hoàn thành, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, song ở một số xã còn những tiêu chí mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản đạt, vẫn cần tập trung thực hiện để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nông thôn mới. Ví như, tại xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa), trong tiêu chí số 15 về y tế có chỉ tiêu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi không đạt theo quy định (chỉ tiêu là 13,9%, trong khi tỷ lệ của xã là 22,8%). Hay như với tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, xã có 2/4 thôn có nhà văn hóa xuống cấp, cần được đầu tư nhưng địa phương chưa có kinh phí...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, năm 2018, huyện có 6 xã (Viên Nội, Cao Thành, Hòa Phú, Hòa Nam, Trầm Lộng, Vạn Thái) đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhưng do nguồn lực khó khăn, trong khi thu ngân sách của địa phương hạn hẹp nên một số tiêu chí mới cơ bản đạt. Mặt khác, trên địa bàn các xã rất ít doanh nghiệp vào đầu tư nên việc huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới cũng gặp khó khăn. Đây cũng chính là tình trạng chung ở nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều băn khoăn: “Để đầu tư xây dựng một trường học đạt chuẩn, cần số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, đầu tư ngay một lúc là rất khó”. Trước những khó khăn này, các huyện ngoại thành kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, theo quy định, việc đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiến hành trong quý IV-2018 và thời gian từ nay đến thời điểm đánh giá không còn nhiều. Do đó, với những tiêu chí cơ bản hoàn thành, các địa phương cần được tiếp tục đầu tư, hoàn thiện, bởi khi thành phố đánh giá, chấm điểm, nếu không đủ điều kiện sẽ phải trừ điểm. Các xã không đạt từ 95 điểm trở lên (trên thang điểm 100) và có tiêu chí bị điểm liệt (0 điểm) sẽ không đủ điều kiện để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tập trung tháo gỡ khó khăn, bà Hoàng Thị Huyền cho rằng: Các huyện, thị xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động cộng đồng chung sức xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào các tiêu chí không cần nhiều kinh phí, như: Vệ sinh môi trường; sản xuất nông sản an toàn... Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đã và đang triển khai, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch; sớm hoàn thiện báo cáo và các thủ tục đề nghị đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn lực để hoàn thành mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.