Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ rào cản cơ chế

Thành Tâm| 07/03/2019 07:19

(HNM) - Dù có nhiều lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhưng thực tế Hà Nội còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Những vướng mắc này đến từ cả phía chủ quan lẫn khách quan, cần tháo gỡ, khắc phục...


Bên cạnh những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế lớn nhất của thành phố. Đó là việc phát huy lợi thế, huy động nguồn lực phát triển ở Thủ đô chưa đạt yêu cầu.

Điều này khiến cho việc đẩy nhanh đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng phục vụ “kỷ nguyên số” đã và đang gặp khó khăn. Nếu không khắc phục được hạn chế này thì không những một số chỉ tiêu, mục tiêu của nhiệm kỳ khó đạt mà về lâu dài, Hà Nội sẽ “hụt hơi” trong phát triển đô thị và không đáp ứng được yêu cầu vận hành nền hành chính của chính quyền điện tử.

Vậy hạn chế đó xuất phát từ đâu? Về chủ quan, phải thẳng thắn nhìn nhận là do nhiều ngành, địa phương còn thụ động trong việc vận hành cơ chế, chưa mạnh dạn chỉ rõ những bất cập trong chính sách để tham mưu cho thành phố tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ.

Chẳng hạn như, trong việc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai "một cửa" điện tử, dịch vụ công trực tuyến còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng của các sở, ngành đầu mối do chưa xác định rõ trách nhiệm. Điều đó một phần tác động đến việc đẩy nhanh, đồng bộ hóa việc vận hành mạng lưới dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên phạm vi toàn thành phố.

Về khách quan, nhiều cơ chế luật định đã lạc hậu, cản trở quá trình đẩy nhanh đầu tư, tiếp nhận đầu tư và giải ngân. Những rào cản pháp lý này vượt quá tầm xử lý của thành phố.

Chỉ ra được những khó khăn trên, Hà Nội đã và đang có những cách làm để khắc phục. Một mặt, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, trong đó nổi bật là việc thiếu đồng bộ trong triển khai các dự án đầu tư công, quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án ODA, FDI cũng như các dự án đầu tư tư nhân trong nước theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT). Cùng với đó, Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trên một số lĩnh vực.

Riêng với Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã báo cáo Thủ tướng, đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Hà Nội về cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án lớn (hạ tầng khung, các đường vành đai, trục hướng tâm, giải quyết vấn đề môi trường...), có tính chiến lược, căn cơ và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững không chỉ của Thủ đô mà còn có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển cho Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Gần đây nhất, để hiện thực hóa đề án đầu tư, xây dựng một số huyện trở thành quận vào năm 2020, tập thể UBND thành phố cho biết sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để tạo nguồn lực đầu tư giúp các huyện phát triển lên quận...

Về phía chủ quan, trong hành lang cơ chế, chính sách cho phép, thành phố đã và đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh yếu tố kỷ luật trong việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và với các bộ, ngành của Trung ương. Lãnh đạo thành phố cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị, địa phương về yêu cầu chủ động trong triển khai toàn diện chương trình công tác đã xây dựng, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để thành phố chỉ đạo tháo gỡ...

Một mặt kiến nghị để thay đổi những chính sách chung không còn phù hợp, tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế hiện có, kết hợp với sự phối hợp, trao đổi chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan. Đó là hướng đi để tháo gỡ những rào cản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ rào cản cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.