Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự thay đổi đột phá

Chí Kiên| 25/09/2019 06:25

(HNM) - Công nghiệp cơ khí vốn được xem như “xương sống” của nền kinh tế, bởi ngành này vừa là nền tảng, vừa là động lực hỗ trợ các ngành khác phát triển. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ngành Cơ khí nước ta từng có thời kỳ hoàng kim (những năm 60 của thế kỷ XX), trong đó phải kể đến những cái tên nổi bật, có trình độ phát triển tương đương các nước trong khu vực, như Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên,... 

Tuy vậy, ở nhiều thời điểm, ngành Cơ khí đã có sự “chững lại”, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này dần tụt hậu, “teo tóp”, làm ăn thua lỗ… Không ít những tên đình đám trước đây nay lùi vào dĩ vãng, nhà máy, công xưởng nhường chỗ các trung tâm thương mại, đô thị mới mọc lên. Nhìn bức tranh toàn cảnh, đến nay, nước ta vẫn chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế. Điểm yếu căn bản vẫn nằm ở trình độ khoa học - công nghệ lạc hậu và cách tổ chức sản xuất.

Thực tế, sản phẩm cơ khí chủ yếu vẫn dừng ở gia công, ít hàm lượng công nghệ cao… Thực trạng này khiến sản phẩm cơ khí của nước ta bị thua ngay trên “sân nhà”. Đáng nói, sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí còn “bí” đầu ra nên hạn chế trong cơ hội tích lũy, đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu thị trường... Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển ngành Cơ khí hiện nay.

Do đó, xét cả tầm nhìn trung hạn và dài hạn, chiến lược phát triển ngành Cơ khí cần có sự thay đổi đột phá và hướng mạnh đến phát triển bền vững.

Tại hội nghị “Các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam” tổ chức ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ phát triển ngành Cơ khí trong thời gian tới. Trên cơ sở này, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần cụ thể hóa bằng các kế hoạch, giải pháp triển khai bảo đảm sát thực, hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng một ngành Cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực.

Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ tối đa thị trường nội địa là yêu cầu đặt ra, nhưng phải tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng. Việc cần làm là lựa chọn các chính sách “bảo hộ mềm”, linh hoạt thông qua chính sách thuế, tín dụng, đào tạo nhân lực hay hàng rào kỹ thuật hợp lý,...

Cùng với các cơ chế, chính sách được sửa đổi, bổ sung từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp cơ khí cần nắm bắt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh hội nhập quốc tế để tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị. Đi đôi với đó là tăng cường đổi mới cách quản trị trong nội bộ mỗi doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động của mỗi doanh nghiệp theo hướng chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng, phát huy tối đa nguồn lực, khắc phục cho được hạn chế sản xuất khép kín, thiếu liên kết.

Thực tiễn phát triển của các nước công nghiệp cho thấy, chỉ có liên kết tốt mới tạo ra sức mạnh, cơ hội tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu cũng như giúp cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp giữ được ổn định.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa đối với doanh nghiệp cơ khí là phải tập trung đầu tư, phát triển những phân ngành sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo đó, không chỉ phát triển cơ khí phụ trợ, cơ khí ô tô mà còn phải phát triển cơ khí biển, nông nghiệp, luyện kim, đường sắt… Nói cách khác là phải làm chủ công nghệ sản xuất để vững tâm thế khai thác được thế mạnh là thị trường trong nước, tiến tới vươn ra thế giới.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự thay đổi đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.