Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thư viện, không cần “kho sách”

Hoàng Lê| 25/09/2019 16:04

(HNMCT) - Cuối tuần trước, ngày 20-9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc”. Tất nhiên, với một chủ đề rộng lớn như vậy, rất khó đòi hỏi thông tin chi tiết về một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như sự phối hợp giữa Vụ Thư viện với ngành Giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện đạt được hiệu quả ra sao, có vướng mắc gì hay không…

Không phải ngẫu nhiên khi đặt ra vấn đề nêu trên. Xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực thư viện là giải pháp có ích nhằm phát triển văn hóa đọc, nhưng sẽ gần như vô nghĩa nếu các hoạt động mang tính tạo dựng không đi liền với việc khai thác những gì đã có hoặc sẽ có, nhờ xã hội hóa hoặc có từ nguồn vốn ngân sách, một cách hiệu quả. Như với thư viện trường học - một dạng thiết chế được cho là gắn liền với sự hình thành thói quen đọc sách thường xuyên cũng như văn hóa đọc của giới trẻ, liệu có ích gì khi các nhà hảo tâm, cha mẹ học sinh và chính nhà trường gom góp điều kiện vật chất để tạo nên những phòng đọc - thư viện khang trang nhưng những thứ được “cất” trong đó không thường xuyên được đến với học sinh?

Cũng trong tháng 9 này, xuất hiện một bài báo nêu vấn đề “Có nên dẹp bỏ thư viện trường học…”. Không có dấu hỏi đặt sau tựa đề bài báo, nhưng đừng vì thế mà nhầm tưởng tác giả có ý hướng người đọc tới việc loại bỏ mô hình thư viện trong nhà trường, đơn giản bởi đó là cách nhìn nhận vấn đề sai lầm mà các nhà báo đều biết mình cần phải tránh; vế phía sau của tựa đề bài báo đó mới là điều người viết muốn nói: “... Học sinh thờ ơ, thư viện thành nhà kho”. Nội dung của vế sau đó, không có gì phải “lăn tăn” nữa, đang là thực trạng có thể nhận ra ở nhiều trường học hiện nay. Bởi thế, khi nói về thư viện trường học hoặc bàn giải pháp phát triển mô hình này cũng như hệ thống thư viện nói chung nhờ sự chung tay của toàn xã hội, vấn đề khai thác một cách hiệu quả những gì đã có quan trọng không kém so với việc tiếp tục triển khai các đề án, dự án về thư viện trong hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của thư viện trường học, việc khai thác thiết chế này nhằm khuyến khích trẻ thường xuyên tiếp cận với sách không phải là việc dễ thực hiện. Ở rất nhiều nơi, rào cản là sự hạn chế về cơ sở vật chất, từ diện tích thư viện/ phòng đọc quá nhỏ đến số lượng sách không đủ so với yêu cầu; ở nhiều trường học khác, vấn đề nằm ở cách tiếp cận phương pháp khai thác nguồn sách đã có nhằm phục vụ sự học, sự đọc của học sinh. Thường thấy một quy trình mượn/ đọc tương đối máy móc, không tiện cho học sinh; cách quản lý thiếu linh hoạt, cách khai thác sách thiếu sáng tạo dẫn đến một thực tế là trẻ không những không đủ hứng thú với việc mượn - đọc - trả sách trong thời gian ở trường, mà ngay cả việc mượn sách về để đọc ở nhà trong những ngày nghỉ cuối tuần hay dịp hè cũng không thể thực hiện được... Đó có thể coi là một sự lãng phí lớn.

Hiện nay, việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện trường học là quan trọng, nhưng phần việc đó không thể tách rời trách nhiệm đánh giá lại hiệu quả hoạt động của thiết chế này, tìm ra những mô hình hay ở thư viện trường học thuộc các tỉnh, thành phố để nhân rộng ra toàn quốc. Mô hình thư viện xanh, với những giỏ sách được đặt dưới bóng cây thoáng mát. Cách thiết lập “Góc đọc sách” ở từng lớp, nơi học sinh không mất thời gian để đọc thêm điều gì đó trong những phút ra chơi ngắn ngủi. Những buổi thi kể chuyện về sách, giới thiệu sách được đưa vào nội dung chương trình sinh hoạt chung của toàn trường… Đó đều là những mô hình hoạt động có thể được tìm hiểu, ứng dụng một cách phù hợp vào điều kiện ở từng nơi nhằm làm phong phú thêm hoạt động thư viện trường học.

Tất nhiên, muốn có sự sáng tạo, sự linh hoạt trong hoạt động thư viện trường học thì lãnh đạo các nhà trường cần thoát ly tư tưởng coi thư viện chỉ là yếu tố cần có để trường mình đạt chuẩn hay đơn giản là “vật trang trí”. Ngành Giáo dục cần lưu ý nhiều hơn tới việc này, có cách kiểm tra giám sát thực chất để bảo đảm rằng thư viện trường học không trở thành nhà kho.        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thư viện, không cần “kho sách”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.