Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cùng căng buồm ra biển lớn

Quỳnh Dương| 11/02/2019 07:33

(HNM) - Sau gần 15 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị, có thể khẳng định, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Daniel Hoài Tiến (Việt kiều Mỹ) hạnh phúc khi được giúp đỡ bà con ở khu vực miền núi phía Bắc.


Quyết tâm tháo gỡ những rào cản

Thực tế cho thấy, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel... đã trở thành những nền kinh tế tiên tiến một phần nhờ biết phát huy hiệu quả các nguồn lực của kiều dân ở nước ngoài. Việt Nam cũng có cộng đồng khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất nhiều trong số họ là chuyên gia, trí thức trình độ cao ở các nước phát triển, có điều kiện tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với công nghệ tiên tiến, tri thức tiến bộ của nhân loại.

Những năm gần đây, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai thường xuyên với quy mô, hình thức và nội dung phong phú, hệ thống chính sách ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho kiều bào trở về quê hương đầu tư, phát huy trí tuệ và đóng góp nhiều ý kiến trong các vấn đề phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận công tác về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn tồn tại những khó khăn. Điều này đã được các nhà lãnh đạo thẳng thắn chỉ ra trong nhiều hội nghị về ngoại giao và các cuộc gặp mặt kiều bào như cơ chế phản hồi với các đóng góp, ý kiến của kiều bào chưa được hình thành; nhiều ý tưởng, đề xuất, công trình nghiên cứu của người Việt ở nước ngoài đóng góp đến các cơ quan hữu quan chưa được đưa vào thực tiễn; thông tin về địa phương còn thiếu...

Để khắc phục những tồn tại, hội nghị ngoại giao lần thứ 30 năm 2018 đã thống nhất việc nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Trong đó, đáng chú ý có nội dung nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện trong việc tiếp tục nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào, từ đó có những đề xuất mới về phương pháp vận động, hỗ trợ cộng đồng củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại nhưng vẫn duy trì được tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đó là thu hút, phát huy mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, đặt trọng tâm vận động vào nhóm kiều bào trẻ; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác về các chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bà con. Đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và ngân sách làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài từ trung ương đến địa phương và cơ quan đại diện; tích cực, chủ động, bảo đảm triển khai các công tác lãnh sự đúng quy định của pháp luật..

Những nỗ lực hoàn thiện chính sách này được kỳ vọng tạo ra nhiều chuyển biến rõ rệt, đem lại nhiều thành công, đột phá mới, làm cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó, hướng về quê hương và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện thực hóa "Giấc mơ Việt Nam"

Trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ hiện có tới 4 gương mặt là chuyên gia trí thức kiều bào. Họ là những người đã thành danh trong các trường Đại học, các viện nghiên cứu của Mỹ, Pháp, Singapore, Nhật Bản… Cùng với các chuyên gia trong nước, những kiều bào ưu tú đã và đang giúp sức đưa ra các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế trung và dài hạn.

Điều này cho thấy chiến lược trọng dụng nhân tài để thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới về kinh tế” của khu vực đang tích cực được triển khai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, khát vọng đó không là quá xa nếu người Việt ở trong và ngoài nước cùng chung tay, góp sức.

Hằng năm thường xuyên có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trở về tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục ở Việt Nam. Đặc biệt, 3 năm gần đây là khoảng thời gian đánh dấu quá trình hợp tác sôi động với mật độ liên tục, diễn ra trên khắp các lĩnh vực giữa trí thức kiều bào với trong nước qua một số sự kiện tiêu biểu như: Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương, Hội nghị kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế, Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam...

Những hoạt động nói trên, cùng với các dự án đầu tư ngày càng hiệu quả của kiều bào đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, trong đó có yêu cầu thích ứng hiệu quả với chiến lược xây dựng một quốc gia khởi nghiệp và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn nhớ cách đây gần 3 thập kỷ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, một trong số rất ít Việt kiều đầu tiên được Chính phủ mời về tìm giải pháp giúp quê hương vượt qua khó khăn sau chiến tranh, đã khởi xướng dự án mang tên "Giấc mơ Việt Nam" nhằm vận động thế hệ trẻ ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước bằng những cống hiến của mình.

Trong suốt 30 năm qua, cùng với số lượng kiều bào về nước gia tăng, những ý tưởng chắp cánh cho nền kinh tế, khoa học Việt cũng được nhân lên. Có thể kể đến khát vọng “Nâng tầm tôm Việt” của kiều bào Australia Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt - Úc. Mong muốn của ông là vận dụng kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến cùng sự hiểu biết địa phương để cải tiến ngành thủy sản nước nhà, cụ thể như sản xuất tôm giống.

Còn Công ty Rynan Technologies của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60, cũng đang đi đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất phân bón thông minh, sử dụng phần mềm đo độ mặn của nước và điều khiển tưới tiêu hiện đang áp dụng ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Thái Bình...

Có thể nói, với bầu nhiệt huyết như không bao giờ vơi cạn, những người con ưu tú xa quê quả thực là những cánh chim không mỏi đóng góp cho sự phát triển của đất nước với khát vọng cùng Tổ quốc căng buồm ra biển lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cùng căng buồm ra biển lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.