Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát tốt bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương tái đàn nhanh, bảo đảm nguồn cung

Ngọc Quỳnh| 10/02/2020 14:58

(HNMO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Đến nay, tại 8.031 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc 609 huyện, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh. Hiện nay cả nước chỉ còn 539 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Như vậy, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả. 

Bộ NN&PTNT đã họp nhiều lần với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020… Đến nay, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tăng số lượng tổng đàn 5-15% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hà Nội… 

Hiện nay, tổng đàn lợn cả nước là 24 triệu con, trong đó, khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi thì chăn nuôi trong nước có khả năng bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn.

Cùng với tái đàn ở các trang trại, Việt Nam và các nước đã ký kết việc nhập khẩu thịt động vật và thịt lợn. Tính đến hết tháng 1-2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4.535 tấn thịt lợn; trong đó, nhập khẩu từ Đức chiếm 25,3%, Ba Lan 20,52%, Canada 16,79%... Thịt trâu, bò nhập khẩu hơn 1.957 tấn, trong đó, thịt trâu nhập khẩu 100% của Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu của Mỹ 60,21%, Australia 22,5%, Canada 9,32%...

Để phòng, chống và kiểm soát tốt bệnh Dịch tả lợn châu Phi và bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao yêu cầu các cơ quan trực thuộc, các bộ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn hàng thịt lợn với giá hợp lý tại Mỹ và các nước. Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện trong việc thông quan hàng thịt lợn nhập khẩu; đồng thời, phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025.

Hà Nội tiêu độc khử trùng, dập ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm ở xã Phú Nghĩa 

*Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp và dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện trên địa bàn xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), ngày 10-2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã trực tiếp tới xã Phú Nghĩa để triển khai các biện pháp phòng dịch, tránh lây lan diện rộng.

Dùng vôi bột để khử trùng phòng dịch trong chăn nuôi.

Theo báo cáo của xã Phú Nghĩa, từ ngày 2-2 đến nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đã có 4 hộ chăn nuôi vịt, ngan bị ốm, chết, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ lấy mẫu gửi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ đã tiến hành tiêu hủy số gia cầm ốm, chết ở 4 hộ với tổng đàn là 6.807 con theo đúng quy định; đồng thời, lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ 450.000 liều vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia cầm ở xã Phú Nghĩa và các xã lân cận; tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng, dập dịch ở xã Phú Nghĩa nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay. 35 lít hóa chất Vetvaco-Iodine và 4 tấn vôi bột đã được sử dụng trên toàn địa bàn xã Phú Nghĩa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 31 triệu con gia cầm ở 119.000 hộ, cơ sở chăn nuôi. Chi cục đã triển khai tới các quận, huyện, thị xã ra quân tiêu độc khử trùng toàn thành phố; duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại đầu mối giao thông ra/vào thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát tốt bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương tái đàn nhanh, bảo đảm nguồn cung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.