Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào giảm thiệt hại do xâm nhập mặn?

Kim Văn| 19/03/2020 20:41

(HNMO) - Thời gian vừa qua, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải gồng mình chống chọi với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Ngoài triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, các bộ, ngành, địa phương cũng đang rốt ráo tìm giải pháp bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp nhận kinh phí hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn từ đại diện chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Ảnh: Ngọc Hà

Khẩn cấp ứng phó, bảo đảm đời sống người dân

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, làm 39.000ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, 95.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt... Trong đó, 5 tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp… Dự báo trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục đe dọa sinh trưởng, năng suất của 332.000ha lúa, 136.000ha cây ăn quả, 158.900 hộ có nguy cơ cao bị thiếu nước sinh hoạt…

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm không để bất kỳ hộ dân nào bị thiếu nước sinh hoạt, bảo đảm đủ nước cho vùng sản xuất; tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước… 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết, tỉnh đã đầu tư, lắp đặt thiết bị lọc mặn tại các công trình cấp nước sinh hoạt; vận chuyển nước ngọt từ địa phương khác về cung cấp cho người dân… Còn tại Kiên Giang, tỉnh đã vận hành 55 cống ven sông Cái Bé và 17 cống vùng U Minh Thượng để ngăn mặn giữ ngọt; triển khai gia cố, đắp mới 70 đập ngăn mặn bảo vệ lúa; tiếp tục đắp 83 đập đề phòng nước mặn xâm nhập sâu hơn…

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho 9.000 hộ dân… Tỉnh Cà Mau khẩn cấp xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung và hỗ trợ nhân dân dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt… Tỉnh Sóc Trăng đã lắp đặt thêm 115km đường ống để cấp nước cho hơn 4.000 hộ dân vùng thiếu nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 604km đường ống để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho 22.400 hộ dân trong năm 2020…

Ngoài sự chủ động của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình: Cống Âu Thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Trạm bơm Xuân Hòa… vào hoạt động để kiểm soát xâm nhập mặn hơn 83.000ha và giảm tác động ảnh hưởng hơn 300.000ha đất canh tác... Các đơn vị quân đội đã vận chuyển hàng trăm nghìn mét khối nước ngọt cấp cho nhân dân vùng thiếu nước sinh hoạt. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ký thỏa thuận với Bộ NN&PTNT hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 185.000 USD để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn…

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, giúp các địa phương kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo nông dân sử dụng các bộ giống lúa ngắn ngày, chủ động trữ nước tưới… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên nên mức độ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong năm 2020 giảm hơn so với cùng thời kỳ năm 2016, cho dù mức độ xâm nhập mặn năm nay khốc liệt hơn.

Đề xuất nhiều giải pháp ứng phó

Ngoài triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng công trình để ngăn mặn, giảm thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng triển khai dự án Quản lý nước Bến Tre, với mục tiêu kiểm soát mặn cho 204.270ha đất tự nhiên và cấp nước ngọt cho hơn 207.000 hộ dân…

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, để giảm thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra theo hướng bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục gia cố cống, đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn, làm nhiều hồ trữ nước ngọt… Người dân phải tuân thủ khuyến cáo của địa phương về thời vụ; sử dụng giống lúa chịu hạn mặn tốt nhất… 

Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh các loại quy hoạch, nhất là thủy lợi, giao thông... Đối với sản xuất nông nghiệp, các tỉnh cần chuyển dịch lịch thời vụ để né hạn mặn; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn mặn; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn cây lúa...

Ở góc độ khác, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, không thể vì thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt đỉnh điểm như năm nay mà đưa ra các quy hoạch chống lại thiên nhiên. Hay nói cách khác, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có giải pháp thích ứng hơn là phòng, chống… 

Liên quan vấn đề này, TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo đóng cửa các cống ngăn mặn ngay từ thời điểm còn nước ngọt bên ngoài cửa cống. Nhờ vậy, người dân tỉnh Kiên Giang giảm bớt khó khăn vì thiếu nước ngọt… 

Như vậy, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chọn giải pháp phòng, chống hay thích ứng đang là vấn đề đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương ngay từ thời điểm này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào giảm thiệt hại do xâm nhập mặn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.