Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để ''cùi bắp'' không còn là thứ bỏ đi

Minh Hà| 23/06/2020 07:18

(HNMO) - Trong hai ngày cuối tuần qua (20 và 21-6), tại phiên chợ “Tuần nông sản - An toàn thực phẩm 2020”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội), gian hàng nhỏ mang tên “Cùi bắp” lần đầu xuất hiện, thu hút sự chú ý của khách tham quan.

Nhóm học sinh trong gian hàng giới thiệu sản phẩm được sản xuất từ lõi ngô.

Chủ gian hàng là các bạn trẻ từ 13-17 tuổi, học sinh một số trường trung học phổ thông tại Hà Nội, như BVIS, Concordia, BIS, Archimedes và Chu Văn An. Các em mang đến phiên chợ những sản phẩm có nguồn gốc từ lõi ngô, thứ vốn bị vứt hoặc đốt bỏ sau mỗi mùa thu hoạch. 

Nguyễn Ngọc Khánh Linh, một thành viên trong nhóm cho biết, sau chuyến tham quan Mai Châu (Hòa Bình) vào mùa hè năm 2019, thấy nông dân sau thu hoạch ngô thường đốt hoặc vứt bỏ lõi xuống sông, suối, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, các bạn đã nảy ra ý tưởng thu mua và tái chế lõi ngô thành sản phẩm hữu ích.

Cả nhóm ngồi lại, ý tưởng tái chế lõi ngô thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bắt đầu hình thành… trên giấy. Sau đó, dưới sự trợ giúp của bố mẹ, các em được đi tham quan một số nhà máy, doanh nghiệp, trực tiếp tìm hiểu về công nghệ sản xuất phân bón có nguồn gốc tự nhiên, nên càng quyết tâm "đi xa" hơn nữa.

Sau khi học hỏi, tìm hiểu, nhóm đã lập phương án khởi nghiệp đủ thuyết phục để “bảo vệ” thành công trước các bậc phụ huynh, được tạo điều kiện cho vay số vốn nhỏ để biến ý tưởng tốt đẹp thành hiện thực. Công ty sản xuất và thương mại Cobtain Việt Nam ra đời.

Cobtain là từ ghép tiếng Anh giữa Cob (lõi ngô) và Obtain (duy trì sự bền vững), thể hiện mong muốn của nhóm là mang đến sản phẩm phân bón cho cây trồng, thức ăn cho gia súc được sản xuất từ bột lõi ngô hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Người tham quan hội chợ quan tâm đến phân bón dinh dưỡng từ lõi ngô.

"Nhóm đã thuê một nhà máy ở Hòa Bình, sử dụng công nghệ hiện đại tái chế lõi ngô thành dạng nghiền để trồng nấm và viên nén lõi ngô là thức ăn cho gia súc. Cả hai dòng sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu của thị trường về độ đồng đều của hạt sau khi nghiền, ít bột, đặc biệt giữ nguyên được chất lượng lõi ngô sau công đoạn sấy. 

Dưỡng chất giàu protein trong lõi ngô vừa giúp nấm ngon hơn, cây trồng xanh tốt lại vừa giảm thiểu rác thải, thay thế các loại phân bón hóa học, vốn không có lợi cho môi trường và sức khỏe con người”, Nguyễn Vĩnh Hạnh Linh, một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Theo tìm hiểu của nhóm, viên nén lõi ngô cũng đang được thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Loại viên nén này được trải lót sàn trong các trang trại nuôi lợn, bò, ngựa, cừu…  có tác dụng sưởi ấm vào mùa đông, đồng thời là nguồn thức ăn giàu chất xơ và protein cho gia súc. Đặc biệt, khi ăn viên nén lõi ngô, chất thải của gia súc sẽ khô, giảm mùi, tiện lợi cho việc tái chế chất thải gia súc thành phân bón.

Mục tiêu về lâu dài của các bạn trẻ này không chỉ dừng ở cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Giờ đây, nguồn nguyên liệu tưởng chừng như phế phẩm này lại không hề “cùi bắp” chút nào.

Tại phiên chợ, các sản phẩm của Cobtain đã thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng cũng như các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao ý tưởng của nhóm bạn trẻ trong tái sử dụng những phế phẩm nông nghiệp để nuôi dưỡng và phát triển nông nghiệp, đồng thời cho rằng cần đầu tư để phát triển dự án này…

Với ý tưởng khởi nghiệp đầy kỳ vọng nhưng không hề viển vông, mang tính thực tế cao, đặc biệt sản phẩm hoàn toàn từ tự nhiên và thân thiện với môi trường, chắc chắn nhóm các bạn trẻ này sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ trong hành trình đến tương lai của mình, trên nền tảng khởi nghiệp từ... lõi ngô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ''cùi bắp'' không còn là thứ bỏ đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.