Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ lấy nước sản xuất

Kim Nhuệ| 25/01/2021 07:18

(HNM) - Bắt đầu từ 0h ngày mai (26-1), các nhà máy thủy điện sẽ tăng cường phát điện bổ sung nguồn nước sông Đà, sông Hồng phục vụ thành phố Hà Nội và 10 tỉnh thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước sản xuất nông nghiệp (đợt 2) vụ xuân 2021. Để bảo đảm cấp đủ nước cho gần 80% diện tích gieo cấy và sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các nhà máy thủy điện, thành phố Hà Nội và các tỉnh đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện để lấy nước sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội kiểm tra năng lực vận hành của Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm, chuẩn bị lấy nước đợt 2.

76,1% diện tích của Hà Nội chưa có nước sản xuất

Mặc dù đã qua đợt lấy nước đầu tiên nhưng theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều cánh đồng thuộc địa bàn các xã: Phượng Cách, Sài Sơn, Thạch Thán... (huyện Quốc Oai), phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa có nước. Tương tự, nhiều diện tích gieo cấy lúa xuân thuộc địa bàn các quận, huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên... cũng chưa có nước đổ ải.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, kết thúc đợt điều tiết thứ nhất (ngày 15-1), toàn thành phố lấy đủ nước cho 5.915ha, đạt 7% tổng diện tích gieo cấy vụ xuân 2021. Sau khi các nhà máy thủy điện không gia tăng phát điện, mực nước trên sông Đà, sông Hồng xuống rất thấp. Ứng phó với tình huống này, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã chủ động lắp đặt trạm bơm dã chiến lấy nước. Tính đến 11h ngày 23-1, toàn thành phố đã lấy đủ nước cho 20.252ha, đạt 23,9% tổng diện tích gieo cấy vụ xuân, hiện còn 76,1% diện tích chưa có nước gieo cấy. Chi cục Thủy lợi Hà Nội nhận định: Tiến độ lấy nước sản xuất vụ xuân 2021 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Giải thích về tình hình trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, hơn 80% diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh… phụ thuộc nguồn nước sông Hồng, sông Đà. Tuy nhiên, phần lớn thời gian điều tiết đợt 1, mực nước các sông này (đoạn chảy qua thành phố Hà Nội) không đạt yêu cầu vận hành các công trình lấy nước lớn, như cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc và các trạm bơm chính: Phù Sa, Ấp Bắc... Thực tế đó đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ lấy nước.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp thủy lợi cũng cho rằng, từ tháng 12-2020 đến nay, trên địa bàn thành phố không có các trận mưa lớn nên đồng ruộng khô hạn, tiêu hao khối lượng nước lớn do hệ thống thủy lợi cung cấp... Để cấp đủ nước làm đất, gieo cấy kịp thời vụ, doanh nghiệp thủy lợi đề nghị các cấp, ngành liên quan điều tiết nguồn nước, bảo đảm đủ điều kiện vận hành các trạm bơm: Đan Hoài, Ấp Bắc, Phù Sa…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Về nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ xuân 2021, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Khanh cho biết, đợt điều tiết nước thứ nhất phục vụ 11 tỉnh, thành phố có thời gian lấy nước ngắn, lưu lượng điều tiết thấp… Tuy nhiên, 11 tỉnh, thành phố đã tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết và đã lấy đủ nước sản xuất cho 111.248ha, đạt 21,4% tổng diện tích sản xuất vụ xuân. Để cấp đủ nước cho 411.248ha còn lại, Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất, từ 0h ngày 26-1 đến 24h ngày 2-2, các nhà máy thủy điện sẽ gia tăng phát điện, bổ sung nguồn nước, bảo đảm mực nước trên sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên, quận Long Biên) đạt mức 2m trở lên, đáp ứng yêu cầu vận hành các trạm bơm…

“Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết, Tổng cục Thủy lợi đề nghị thành phố Hà Nội và 10 tỉnh thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ khẩn trương triển khai các giải pháp lấy và dẫn nước lên mặt ruộng… Các tỉnh, thành phố cần đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản công tác lấy nước ngay từ đợt điều tiết thứ hai…”, ông Nguyễn Hồng Khanh nói.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi theo dõi chặt chẽ nguồn nước, kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiếp nguồn nước điều tiết... “Trong đợt lấy nước thứ hai này, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố phấn đấu lấy đủ nước cho khoảng 75% diện tích…”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải nêu quyết tâm.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Nguyễn Văn Hải, đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành công tác lắp đặt 16 trạm bơm dã chiến, nạo vét các cửa lấy nước, tu bổ hệ thống kênh dẫn, sẵn sàng vận hành công trình ngay khi mực nước sông Hồng đủ điều kiện lấy nước…

Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp vận động người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch rau màu, dẫn nước đến đâu làm đất đến đó. Trong đó, ưu tiên cấp nước cho vùng cao, vùng xa về nguồn nước; chỉ đạo nông dân tập trung gieo cấy trên những cánh đồng đã đủ nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ lấy nước sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.