Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi nhuận các hãng linh kiện bán dẫn tăng vọt nhờ cơn sốt tiền ảo

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 23/06/2021 06:59

(HNMO) - Tình trạng khan hiếm chip bán dẫn vẫn ám ảnh nhiều ngành công nghiệp, nhưng các nhà cung cấp loại linh kiện này lại chứng kiến mức doanh thu tăng vọt nhờ cơn sốt đào tiền ảo.

Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn chính cho toàn cầu.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, điểm nhấn đáng chú ý của thị trường bán dẫn giai đoạn đầu năm là cơn sốt tiền ảo đã trở thành động lực đằng sau doanh thu của nhiều nhà sản xuất bán dẫn. Đây cũng là nguyên nhân giúp NVIDIA (Mỹ) vượt qua Broadcom (Mỹ), vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng, với khoản doanh thu 5,17 tỷ USD. Hiện nay, công ty khởi nghiệp từ sản phẩm đồ họa không chỉ có những bước tiến lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, mà các sản phẩm card màn hình máy tính của hãng được dân “đào mỏ” trên khắp thế giới săn lùng.

Về phần mình, Broadcom (Mỹ) - ở vị trí thứ ba - đã thu về 4,49 tỷ USD – một phần nhờ sự phát triển của thị trường viễn thông băng thông rộng, trong đó nổi bật là lĩnh vực cáp quang và mạng truyền tải dữ liệu có dây dẫn.

Đối thủ chính của NVIDIA là AMD (Mỹ) tuy chỉ khiêm tốn ở vị trí thứ 5, nhưng chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 92,9% - cao nhất trong top 10 – nhờ hưởng lợi từ nhu cầu máy tính phục vụ làm việc từ xa gia tăng tại các nền kinh tế áp dụng giãn cách xã hội, song song sự gia tăng đáng kể thị phần trên thị trường máy chủ. Mặc dù vậy, giới phân tích tỏ ra quan ngại về “thu nhập” của hai đại gia đồ họa này trong thời gian tới, giữa bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu siết chặt các quy định liên quan tới giao dịch tiền ảo.

Trong khi đó, Qualcomm (Mỹ) duy trì ngôi vị số một trong nhóm 10 nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới, nhờ doanh thu quý đầu năm nay đạt 6,28 tỷ USD, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thành tích kinh doanh của hãng chủ yếu nhờ vào sự gia tăng nhu cầu trong lĩnh vực điện thoại thông minh, internet kết nối vạn vật và công nghiệp ô tô.

Tại Đài Loan (Trung Quốc) – một trong những nguồn cung bán dẫn chính của thế giới, MediaTek (đứng ở vị trí thứ 4) ghi nhận tăng trưởng doanh thu từ linh kiện điện thoại thông minh tới 149% trong quý I-2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính được xác định là sự bùng nổ các thương hiệu điện thoại nội địa Trung Quốc sau khi Huawei bị trói chân bởi các giới hạn của Mỹ.

Cùng với đó, việc Qualcomm “thi đấu” không mấy nổi bật trong phân khúc vi xử lý dành cho điện thoại thông minh giá rẻ và tầm trung đã để lại khoảng trống kinh doanh rất thoáng. Sự hội tụ của những yếu tố này đem tới doanh thu tới 3,81 tỷ USD cho MediaTek trong quý vừa qua, tăng trưởng 88,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung bán dẫn vẫn là bài toán khó với nhiều lĩnh vực sản xuất trong năm 2021.

Một tên tuổi lớn khác của Đài Loan là Novatek cũng đã vượt qua Marvell (Mỹ) và Xilinx (Mỹ) để vươn lên vị trí thứ 6 với doanh thu quý đầu năm 2021 đạt 894 triệu USD, tăng trưởng 59,4%. Linh kiện bán dẫn của công ty này chủ yếu phục vụ việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, TV và điện thoại thông minh. Doanh thu của Novatek được duy trì ổn định nhờ quan hệ chiến lược với các đối tác UMC, VIS hay TSMC của Đài Loan, Nexchip của Trung Quốc, và Samsung LSI của Hàn Quốc.

Nhận định về thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ tuy ảnh hưởng đáng kể tới số lượng đơn hàng từ các doanh nghiệp điện thoại thông minh Trung Quốc, nhưng không làm giảm nhu cầu linh kiện đối với các công ty bán dẫn toàn cầu trong quý III-2021. Lý do trước hết là bởi những đột biến về giá cả hiện đã được phản ánh ngay trong giá linh kiện thành phẩm bán dẫn. Ngoài ra, nhu cầu về loại linh kiện này vẫn ở mức cao. Bản thân các công ty sản xuất điện thoại thông minh, ô tô, thiết bị gia dụng... vẫn cần duy trì lượng hàng dự trữ đủ lớn, song song tìm cách đa dạng nguồn cung nhằm đề phòng diễn biến xấu của tình hình dịch bệnh.

Dù vậy, cơn sốt tiền ảo lắng dịu được dự đoán sẽ tác động không nhỏ tới các nhà sản xuất bán dẫn. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay truy quét các “trang trại” đào tiền ảo trên khắp nước, đồng thời tăng cường kiểm soát các nội dung về tiền ảo trên mạng internet. Động thái này khiến giá tiền ảo thế giới nói chung và bitcoin nói riêng tuột dốc mạnh, dẫn tới trạng thái chững lại của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận các hãng linh kiện bán dẫn tăng vọt nhờ cơn sốt tiền ảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.