Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông: Xu thế phát triển tất yếu

Việt Nga| 17/02/2020 06:41

(HNM) - Dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm cảnh quan đô thị và sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, thực tế việc chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các bên, nhất là vai trò từ cơ quan quản lý nhà nước. Thành công bước đầu trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc dùng chung cơ sở hạ tầng chính là xu thế tất yếu của thị trường viễn thông.

Trạm thu phát sóng thân thiện với môi trường do MobiFone đầu tư xây dựng phục vụ việc phát sóng của các nhà mạng. Nguồn ảnh: MobiFone

Bảo đảm cảnh quan, tiết kiệm chi phí

Theo ông Giang Văn Thắng, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng và kết nối, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dùng, cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông đã được đầu tư rất lớn thời gian qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại thiếu sự chia sẻ, không sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (gồm nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm). Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11-11-2019 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông. "Sử dụng công trình dùng chung giúp các nhà mạng tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, vận hành - bảo trì, bảo dưỡng…", ông Thắng khẳng định.

Việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông được Hà Nội tiên phong trong cả nước triển khai từ trước năm 2010. Thành phố đã xây dựng đề án và yêu cầu các nhà mạng dùng chung hạ tầng trạm thu phát sóng (BTS) tại 10 vị trí ở quận Hoàn Kiếm. Sau thành công của đề án này, thành phố đã nhân rộng mô hình dùng chung hạ tầng BTS; cùng với đó, thành phố và một số quận nội thành đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật bằng vốn ngân sách. Kể từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã ký "Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020", theo đó việc dùng chung công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật là bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Quản lý bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội), đến tháng 2-2020 Hà Nội có 2.900 trạm BTS dùng chung giữa các doanh nghiệp viễn thông hoặc thuê của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đã có 110/253 tuyến phố hoàn thành công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung và đưa vào sử dụng; các tuyến còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ngoài ra, Hà Nội còn có 173 công trình ngầm được đầu tư từ nguồn ngân sách (đã bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác) để phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp thuê lại hạ tầng kỹ thuật dùng chung. "Thực tế, sau khi triển khai hạ tầng kỹ thuật dùng chung, trật tự, mỹ quan đô thị và việc bảo đảm an toàn cho người dân đã có cải thiện đáng kể", ông Sỹ nhận xét.

Ở góc độ doanh nghiệp viễn thông, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, cách đây 15 năm, cơ sở hạ tầng viễn thông là "vũ khí" cạnh tranh giữa các nhà mạng vì hạ tầng tốt sẽ quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay các nhà mạng đã cơ bản có độ phủ sóng rộng, sâu trên toàn quốc. Do vậy, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng cũng là điều cần tính tới để bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm trong vận hành.

Cần vai trò của cơ quan quản lý

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế. Thực tế này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.

Được biết, trong số các nhà cung cấp dịch vụ có hạ tầng hiện nay, hai tập đoàn VNPT và Viettel hiện có hệ thống hạ tầng mạng lưới (cáp quang và hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động) rộng khắp trên toàn quốc. Trong khi MobiFone có thế mạnh về hạ tầng BTS; FPT có thế mạnh về hạ tầng cáp quang ở các thành phố lớn… Theo ông Tào Đức Thắng, hiện Viettel đang có hợp tác rất tốt về hạ tầng dùng chung với các nhà mạng VNPT/VinaPhone, MobiFone theo nguyên tắc trao đổi "một đổi một" (với trạm BTS), thuê lại lẫn nhau (với hệ thống ngầm, bể cáp). Ngoài ra, Viettel cũng hợp tác với các doanh nghiệp FPT, CMC theo hình thức xã hội hóa...

Để đẩy mạnh sự chia sẻ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, theo ông Giang Văn Thắng, Cục Viễn thông đã hướng dẫn các sở thông tin và truyền thông địa phương làm đầu mối, xây dựng phương án dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp. "Việc triển khai dùng chung hạ tầng diễn ra tại một địa bàn cụ thể, do vậy vai trò của các sở thông tin và truyền thông trong việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp rất quan trọng", ông Giang Văn Thắng nói.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tiếp tục tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã xây dựng, báo cáo kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động năm 2020 để Sở chủ trì, phối hợp triển khai các phương án dùng chung hạ tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Rõ ràng, thành công bước đầu trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy, việc dùng chung cơ sở hạ tầng là xu thế phát triển tất yếu của thị trường viễn thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông: Xu thế phát triển tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.