Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về ông Ba Náo

Tống Ngọc Thanh| 08/09/2011 06:24

(HNM) - Hồi còn nhỏ, tôi hay đọc truyện về lực lượng Biệt động Sài Gòn, nhưng chưa bao giờ nghe đến cái tên Lâm Sơn Náo - người đánh chìm tàu chiến Mỹ ngay cầu cảng Sài Gòn. Trong chuyến công tác vừa qua, tình cờ tôi gặp ông. Gần cuối độ tuổi thất thập, ông Náo đã già nhưng còn minh mẫn lắm. Con người này đã từng lập chiến công thần kỳ, vang dội bằng việc đánh chìm tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đang chở hơn 200 máy bay…

Từ lần đánh tàu bất thành

Đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi được nhà văn Mã Thiện Đồng và nhà báo Đoàn Công Tính dẫn đi thăm một số cựu chiến binh từng tham gia Đội biệt động Sài Gòn. Đi tới khu nhà bên dòng sông Kinh Tẻ, huyện Nhà Bè, hai người phấn khởi nói to: "Nhà anh Ba Náo đây rồi". Trời mưa rả rích, ông Náo đội nón chạy ra mở cửa đón khách. Cái dáng siêu vẹo vì thương tích trong chiến tranh của ông không xóa đi được tác phong nhanh nhẹn của người lính biệt động quyết tử Sài Gòn năm nào. Ngồi uống trà, hỏi thăm sức khỏe nhau, ông Náo kể cho chúng tôi nghe câu chuyện huyền thoại, theo cách nói của ông thì "mới đó đã gần dăm chục năm rồi".

Ông Náo chăm sóc cây cảnh.

17 tuổi, ông Náo theo cha vào làm công nhân cảng Sài Gòn, khi làm bốc xếp, khi làm phu hồ, có khi lại đi sửa chữa điện nước. Bến cảng Sài Gòn ngày đó được ví là cửa ngõ "Hòn ngọc Viễn Đông" nên tàu bè ra vào tấp nập, cũng ở đây nảy sinh nhiều cảnh người lao động bị áp bức, bóc lột. Cũng như bao người lao động nghèo khổ khác "có áp bức ắt có đấu tranh", ông Náo sớm giác ngộ cách mạng, nhưng chỉ là đấu tranh tự phát. Mơ ước được hoạt động trong tổ chức của ông cứ nhen nhóm và lớn dần theo năm tháng. Đến một ngày, ông Náo được bà cô ruột dẫn ra căn cứ gặp ông Phạm Văn Hai, Đội trưởng Đội 65 - Biệt động quyết tử Sài Gòn. Gặp Ba Náo, ông Hai reo lên sung sướng: "Đúng rồi, người của cảng đây rồi. Tổ chức đang cần các đồng chí".

Ba Náo nghe mà sướng bủn rủn chân tay. Thế là từ nay mình trở thành biệt động, được làm cách mạng thật rồi. Tháng 8-1962, Ba Náo bất ngờ được triệu tập ra cứ. Ông Hai giao nhiệm vụ: Cơ sở ta mật báo về Quân khu, sắp tới sẽ có một tàu chiến của Mỹ chở vũ khí, phương tiện cập cảng Sài Gòn để tiếp tế cho chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ của Đội biệt động 65 là phải đánh chìm con tàu đó. Nghe quán triệt nhiệm vụ, tai ông Ba Náo ù đi vì hồi hộp.

Ông lẩm bẩm, vinh dự thật nhưng không phải dễ chơi. Tàu chiến to, mỗi lần vào cầu cảng có hàng trăm lính gác, thi thoảng chúng lại ném một loạt lựu đạn xuống sông để tránh "người nhái" đột nhập, làm thế nào để tiếp cận thân tàu? Ngày lại ngày, Ba Náo bơi vào đường cống ngầm dẫn ra cầu cảng để trinh sát. Cái thứ sình lầy cùng xác động vật thối rữa khiến ông nôn ọe, thế nhưng Ba Náo mừng như mở cờ trong bụng vì đây là con đường duy nhất để tiếp cận tàu chiến và đặt bom. Hoàn tất công tác khảo sát, ông gửi ngay phương án đánh tàu và được cấp trên chuẩn y, đồng thời giao cho 80kg thuốc nổ. Sợ chồng gặp nguy hiểm, bà Nguyễn Thị Kim Anh (vợ ông Náo) một mình chèo ghe đi nhận số thuốc nổ rồi đem về giấu dưới gầm giường. Ngày 28-12-1963, Ba Náo hay tin con tàu US Coree chở vũ khí sẽ cập cảng Sài Gòn vào ngày hôm sau, ông vừa mừng vừa lo. Ngay buổi chiều hôm ấy, ông đi tìm Sáu Cậy (một thành viên trong Đội biệt động) để cùng thực hiện nhiệm vụ. Cõng 80kg thuốc nổ xuống thuyền, hai người lặng lẽ chui vào cống ngầm nằm ém sẵn. Đúng 5h chiều ngày hôm sau, một con tàu to như tòa nhà lừng lững tiến vào sông Sài Gòn. Thời cơ đã đến, Ba Náo đặt mìn, cài kíp, chỉnh đồng hồ hẹn giờ. Hệ thống đèn rọi sáng lóa và đám quân cảnh không thể ngờ ngay dưới chân mình có hai chiến sỹ biệt động. Đặt đồng hồ hẹn giờ cho nổ vào lúc 7h sáng ngày 30-12, Ba Náo và Sáu Cậy quay trở ra. Cả đêm thấp thỏm chờ trời sáng. Đã hơn 7h mà không nghe thấy tiếng nổ, Ba Náo biết có chuyện chẳng lành, bật dậy gọi Sáu Cậy: "Anh ở đây quan sát, nếu cần thì bắn yểm trợ, tui bơi vào đó xem sao".

Sáu Cậy toát hết mồ hôi: "Không được, nguy hiểm lắm anh Ba. Lỡ đụng vào nó nổ đấy".

Ba Náo kiên quyết: "Lo gì chứ, cần thiết đánh cảm tử luôn. Để lộ bí mật, mình biết ăn nói thế nào với cấp trên".

Chưa hết câu, Ba Náo dầm mình xuống cống. Bơi đến vị trí đặt mìn, ông phát hiện đồng hồ hẹn giờ đã bị hỏng. Vội vã gỡ thuốc nổ mang về, Ba Náo tự trách mình không cẩn thận. Ông bậm môi cho tới chảy máu.

Đến chiến công huyền thoại

Về cứ báo cáo tình hình, Ba Náo luôn miệng nhận khuyết điểm. Ông Hai động viên: "Chúng ta chưa đánh được không có nghĩa là thất bại, các đồng chí cố gắng lên". Được lời như cởi tấm lòng, Ba Náo xin tổ chức cấp thêm 4kg thuốc nổ C4 (loại cực mạnh) để thiết kế lại mìn hẹn giờ. Ông hứa nhất định phải đánh thắng, kể cả việc Ba Náo sẽ chập nụ xòe đánh cảm tử, chấp nhận hy sinh. Về tới nhà, Ba Náo tự tay thiết kế lại vũ khí, thử đi thử lại cho chắc ăn, rồi chờ đợi.

Chiều 30-4-1964, ông đang làm việc ở cầu cảng thì nhận được tin báo sắp có tàu chiến chở 200 máy bay cập bến. Tối ấy, Ba Náo tìm đến nhà Sáu Cậy. Oái oăm, Sáu Cậy bị đau mắt đỏ vì nhiễm trùng nước cống. Nghe Ba Náo nói, Sáu Cậy năn nỉ, một mực đòi theo. Ba Náo dứt khoát: "Ráng chữa bệnh cho mau lành, để lần khác". Hôm sau, Ba Náo tìm đến nhà Hai Hùng (thành viên Đội biệt động cảng). Chưa kịp hỏi chuyện, Hai Hùng vội đi ngay cùng Ba Náo. Mỗi lần Hai Hùng hỏi: "Đi đâu vậy anh Ba?", ông Náo đều vội vã: "Đi rồi khắc biết". Đưa 84kg thuốc nổ lên xuồng, Ba Náo và Hai Hùng nhằm thẳng hướng cầu cảng Sài Gòn. Đến bờ Thủ Thiêm, bất ngờ hai người nghe thấy tiếng quát:

- Ê, xuồng kia, lên đây mau.

Ba Náo nói nhỏ với Hai Hùng:

- Để tui, bọn Bảo an này cứ chia chác là xong hết.

Nói rồi, Ba Náo ghé vào gần bờ, giọng thân mật:

- Tụi này tính mua chút hàng lậu trên tàu kia. Các sếp cho tụi tôi qua. Lát lấy hàng xong tôi chia cho mấy sếp.

Vừa qua trạm thứ nhất, xuồng của Ba Náo lại gặp tàu cảnh sát tuần tiễu. Nguy rồi, nếu chúng phát hiện trên xuồng có thuốc nổ thì tiêu đời. Lấy hết bình tĩnh, Ba Náo rút 500 đồng ra hối lộ bọn cảnh sát với lời nhờ: "Cho chúng tôi qua bên đó lấy hàng". Bị tiền làm mờ mắt, viên cảnh sát nói: Đi lẹ đi. Chỉ chờ có thế, Ba Náo cho xuồng chạy thẳng vào cống ngầm gầm cầu cảng. Bùn đặc quánh, xuồng không chạy được, hai người đành vác thuốc nổ ra vị trí cầu tàu. Ngước lên phía trên, Ba Náo thấy trên boong tàu chiến dễ có đến hàng trăm chiếc máy bay, nhiều chiếc đã cất cánh. Nếu không khẩn trương đánh mìn, máy bay sẽ rút hết. Vội vã cột hai trái thuốc nổ vào cầu tàu, Ba Náo đặt đồng hồ hẹn giờ cho nổ vào lúc 3h sáng. Chỉ còn một tiếng để rút khỏi hiện trường, Ba Náo dường như kiệt sức. Hai Hùng nói nhỏ: "Anh Ba nè, tui có con gái kém con trai anh 3 tuổi. Sau này chúng mình làm sui (thông gia) với nhau nhé". Ba Náo gật đầu. Về tới nhà, Ba Náo và Hai Hùng lăn ra sàn, mặc bùn đất phủ kín khắp người, xem đồng hồ và chờ đợi. Đúng 3h sáng, một tiếng nổ long trời lở đất, những mái nhà tạm xung quanh khu vực cảng lật tung. Ba Náo và Hai Hùng ôm lấy nhau, miệng líu ríu: Thành công rồi. Tiếng nổ vừa dứt, Ba Náo nghe rõ tiếng còi xe cứu thương lao về phía cảng. Sáng hôm sau, Đài BBC, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin tàu USNS CARD bị Việt cộng đánh chìm, làm 120 lĩnh Mỹ chết và bị thương, 24 máy bay các loại bị phá hủy hoàn toàn. Nghe hết bản tin, Ba Náo lặng người vì sung sướng.

Vẹn nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Nhiều lần bị địch bắt, bị đày đi Côn Đảo và chịu không biết bao cực hình tra tấn dã man, Ba Náo vẫn một lòng kiên trung. Chiến tranh kết thúc, ông trở về quê hương với chi chít vết thương trên người. Ông tự lực cánh sinh, không đòi hỏi cũng không trông chờ vào chính sách đãi ngộ. Với ông "mình còn sống mà trở về là may mắn lắm rồi, còn mong chi nữa". Làm Bí thư chi bộ của khu phố trong nhiều năm liền, ông luôn là người miệng nói tay làm, đi đầu trong mọi phong trào. Ơn trời, các con ông đều khôn lớn trưởng thành, người được tặng thưởng Huân chương Lao động, người được công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Sau vụ đánh chìm tàu CARD, Hai Hùng bị địch bắt, sau đó trốn trại và hy sinh trong một trận càn. Nhớ lời hứa năm xưa, ông Ba Náo về quê tìm cô con gái của Hai Hùng nhận làm con nuôi. Trời xui đất khiến, con trai ông Náo lại nên duyên với con gái của Hai Hùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Náo và các con đã tìm được hài cốt của ông thông gia, đưa về quê an táng. Điều này làm ông Náo vô cùng mãn nguyện.

Chúng tôi chia tay ông Náo khi cơn mưa chiều tạnh hẳn, con đường dẫn về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã rực rỡ ánh đèn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về ông Ba Náo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.