Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ăn thực phẩm tái sống, coi chừng rước bệnh

Xuân Lộc| 10/08/2022 07:10

(HNM) - Thói quen ăn thực phẩm tái sống luôn ẩn chứa những hiểm họa khó lường. Thế nhưng, dù đã được cảnh báo rất nhiều, thói quen ăn uống tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe này vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân. Hậu quả là tại các bệnh viện thời gian qua tiếp nhận không ít trường hợp phải nhập viện do nhiễm giun đầu gai, sán lá gan… gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trang Thu

Nguy cơ nhiễm giun cao gấp 5 lần nếu ăn lươn chưa nấu chín

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm giun đầu gai đến khám với các biểu hiện ngứa ngáy, nổi mề đay. Đơn cử như trường hợp người đàn ông 31 tuổi ở Hà Nội nhập viện sau khi phát hiện phía sườn trái xuất hiện vùng tổn thương sưng phồng thành mảng lớn gây ngứa và đau. Điều kỳ lạ là cứ cách 3-4 ngày, vùng tổn thương lại di chuyển dần lên vùng da dưới rốn. Sau đó, người này đã đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám. Qua khai thác tiền sử bệnh nhân thích ăn thịt ếch nướng tái và sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán, các bác sĩ đã đưa ra kết luận, bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai.

Bệnh giun đầu gai ở người gây ra bởi nhiều loài giun tròn ký sinh giống Gnathostoma thuộc lớp giun tròn, nhưng đều có gai nên gọi là “giun đầu gai”. Sau 2-4 tuần kể từ khi nhiễm ấu trùng giun đầu gai, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng không rõ nguyên nhân. Các vùng sưng, u dưới da thường xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần. Tuy nhiên, y học đã từng ghi nhận các trường hợp có triệu chứng xuất hiện sau khoảng 10 năm từ khi bị nhiễm.

Thể dễ gặp nhất là ấu trùng giun đầu gai di chuyển đến da và mô mềm. Bệnh nhân có thể bị tổn thương da ở dạng nốt, mụn nhỏ, khối phù nề; có sưng, nóng, đỏ, đau. Do sự chuyển động của ấu trùng, bệnh nhân cũng có thể có các đợt phù cục bộ tại vị trí tổn thương, có tính di chuyển. Bệnh nhân cũng dễ bị ngứa, mề đay, chủ yếu tại vị trí tổn thương. Đây là nguyên nhân gây nhầm lẫn với viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc… Ấu trùng giun đầu gai di chuyển có thể gặp khắp nơi trong cơ thể như chi trên, vùng thắt lưng, chi dưới, mặt, vai, cổ, vùng bụng và ngực, lưng và mông. Nguy hiểm hơn, ở một số trường hợp, ký sinh trùng có thể chui vào các cơ quan như gan, mắt, não, tủy sống và gây ra các triệu chứng liên quan như giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

Người nhiễm bệnh đều có thói quen ăn các loại cá nước ngọt, lươn, ếch, rắn… tái sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Thế nhưng, nghiên cứu do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và cộng sự mới đây cho thấy, tỷ lệ người dân ăn thủy sản chưa nấu chín nơi vùng được khảo sát ở mức cao. Cụ thể, có 16% người dân ở tỉnh Bình Định ăn lươn chưa nấu chín, tỷ lệ này với ngao sò là 6,9%, cá quả 3,2%. Còn tại Quảng Ngãi, tỷ lệ tương ứng là 13,2%; 6,9% và 3,2%.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, có mối liên quan giữa ăn lươn chưa nấu chín với nhiễm giun đầu gai ở người. Nguy cơ nhiễm giun đầu gai ở người ăn lươn chưa nấu chín cao gấp 5 lần người không ăn.

Cần tuân thủ “ăn chín, uống sôi”

Nhiều người cho rằng, khi ăn thực phẩm tái, sống nguy cơ nhiều nhất là dễ tiêu chảy hoặc nhiễm giun sán cùng lắm là gây rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu và chỉ cần uống vài viên thuốc là khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhiễm giun sán còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn thế. Chẳng hạn, người hay ăn cá sống dễ bị nhiễm sán lá gan.

Bệnh sán lá gan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách 20 bệnh nhiệt đới ít được quan tâm và cần phải loại trừ, bởi đây là căn nguyên của nhiều loại bệnh. Khi sán lá gan vào cơ thể, chúng phát triển ra khắp các ống dẫn mật trong gan và túi mật. Sau thời gian dài trú ngụ, sán lá gan gây viêm đường mật, xơ gan và có thể chuyển thành ung thư.

Bác sĩ Hoàng Đình Thành, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, theo phân loại, bệnh sán lá gan được chia thành hai loại: Sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiễm sán lá gan là do thói quen ăn uống. Cụ thể là sử dụng các loại rau mọc dưới nước như rau cần, nhút, cải xoong…, nước có ấu trùng sán, chưa nấu chín. Ngoài ra, sở thích ăn đồ tái từ thịt lợn, bò, cá, tôm… món ăn sống sushi, sashimi hay nếp sống thiếu vệ sinh, phóng uế bừa bãi, vứt bỏ chất thải chưa được xử lý ra môi trường… cũng là những nguyên nhân khiến sán có điều kiện sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho con người. Biểu hiện thông thường của người mắc bệnh sán lá gan là đau vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải (khi mắc sán lá gan lớn) và gan sưng to dần, kèm đau bụng nếu nhiễm sán nhiều (khi mắc sán lá gan nhỏ).

Hầu hết giun sán hoặc trứng, ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi của nước. Chẳng hạn, ấu trùng giun anisakia trong cá biển bị chết khi nấu ở nhiệt độ 60 độ C hoặc làm lạnh đến âm 20 độ C trong 3-7 ngày, nhưng chúng không chết khi ngâm muối, tẩm nước sốt.

Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là ăn chín, uống sôi. Các gia đình nên hạn chế ăn rau sống, tuyệt đối tránh ăn cá, mực hoặc các loại cá biển còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá hồi, cá mòi, cá thu... hay thịt heo tái, sống, tiết canh. Mọi người cũng nên thường xuyên vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc gần gũi với các vật nuôi, vứt bỏ các thảm cũ, bụi bặm và tẩy giun định kỳ. Khi thấy các dấu hiệu đau đầu, mờ mắt, đại tiện thấy có đốt sán, u nhỏ dưới da… hoặc các biểu hiện bất thường nào cần đi khám ngay để được phát hiện và điều trị sớm giúp tránh biến chứng nguy hiểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ăn thực phẩm tái sống, coi chừng rước bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.