Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm B

Bảo Ngọc| 12/11/2022 11:45

(HNMCT) - Miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Theo ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, số bệnh nhân mắc cúm, đặc biệt là trẻ nhỏ mắc cúm B, đang tăng mạnh. Trong đó, nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển.

Số trẻ em mắc cúm B tăng vọt trong thời tiết giao mùa. Ảnh: Hạnh Chi

Ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm B, biến chứng nặng

Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Trong đó, cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến.

Hiện nay, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh hô hấp nói chung và cúm B nói riêng. Gần đây, cúm B được xác định là nguyên nhân gây ra ổ dịch tại tỉnh Bắc Kạn, khiến hàng trăm trẻ phải nghỉ học.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vài tuần qua, số trẻ mắc cúm đa phần có kết quả xét nghiệm cúm B, trong khi trước đó chủ yếu là mắc cúm A. Cả 2 chủng cúm thường có triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể bị buồn nôn, tiêu chảy. Năm nay, số trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn hẳn mọi năm và đa phần có cả bội nhiễm.

Thông thường, đa số trẻ mắc cúm chỉ cần chăm sóc tại nhà và tự khỏi sau 1 - 2 tuần dù biểu hiện ho, mệt mỏi có thể kéo dài hơn; cũng có một số trường hợp diễn biến nặng do có bệnh mạn tính hoặc rối loạn, suy giảm hệ miễn dịch, nhưng không nhiều... Năm nay, trong số ca cúm biến chứng nặng, viêm cơ tim, suy đa phủ tạng, đã có vài trường hợp không hề có bệnh lý nền. Riêng tháng 10-2022, đã có 7 trường hợp nguy kịch, trong đó, 4 cháu phải lọc máu, 3 cháu chạy ECMO. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ tại nhà, các gia đình cần nhận biết dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Những sai lầm khi tự ý điều trị tại nhà

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, không phải cha mẹ nào cũng hiểu đúng và đủ về bệnh cúm B, dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc lo lắng quá mức.  Đã có nhiều gia đình tự ý làm xét nghiệm khi không cần thiết, gây lãng phí tiền bạc; sử dụng các loại thuốc không đúng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ...

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cúm có 4 type là A, B, C, D. Từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu cho thấy số ca cúm B chiếm khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa; rất hiếm gặp cúm C, D. Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm cúm B gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1 - 2 tuần, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.

“Phần lớn bệnh nhân mắc cúm B thể nhẹ tự khỏi, tuy nhiên, vi rút cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do vi rút cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan...” - PGS.TS Tạ Anh Tuấn lưu ý.

Cha mẹ cần đưa trẻ mắc cúm B đến các cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao từ 39,5oC trở lên mà dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (đảm bảo phòng thoáng mát 26 - 29oC, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ. Trẻ sốt cao từ 38,5oC trở lên quá 3 ngày, không có xu hướng thuyên giảm. Trẻ thở nhanh, thở bất thường: Thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp. Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt), lạnh chi (khi không sốt cao). Trẻ không ăn/uống. Trẻ có biểu hiện mất nước: Môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/ lưỡi khô, đòi uống nước, đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm, tã ít ướt hơn bình thường). Trẻ thay đổi ý thức: Không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật... Trẻ lớn kêu đau bụng, đau ngực, nôn nhiều...

Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ. “Ví dụ, chỉ định dùng thuốc kháng vi rút cho những trẻ có nguy cơ cao hoặc trẻ có các biến chứng (chỉ dùng cho những trường hợp sốt dưới 48h), nếu có bội nhiễm vi khuẩn thì sẽ được dùng kháng sinh phù hợp. Nếu có suy hô hấp thì tùy mức độ sẽ được hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy hoặc thở máy, bù nước điện giải, điều trị suy tim nếu có...” - PGS.TS Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng bệnh nhân mắc cúm B

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.