Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống ung thư: Cuộc chiến của cộng đồng!

Thu Trang| 13/12/2015 07:13

(HNM) - Bệnh ung thư đang là vấn đề quốc gia có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của xã hội khi người mắc bệnh tiếp tục gia tăng, việc điều trị khó khăn, tốn kém... Tại hội thảo phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế nhận định:


Cơ sở điều trị quá tải

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, nếu như năm 2000, cả nước mới có 3 bệnh viện (BV) ung bướu, 14 khoa ung bướu thì đến năm 2015 đã có 6 BV ung bướu và 50 trung tâm, khoa và đơn vị ung bướu, nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu điều trị. 2 BV đầu ngành về ung bướu là BV K trung ương và BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh dù được mở rộng, tăng số giường bệnh nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: BẢO LÂM



Không chỉ cơ sở điều trị, cán bộ y tế chuyên ngành ung thư hiện nay cũng thiếu trầm trọng. Giám đốc BV K trung ương Bùi Diệu cho biết, nhân lực trong mạng lưới phòng chống ung thư mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Theo nhu cầu tối thiểu cần 1,1 cán bộ/giường bệnh nhưng hiện BV đầu ngành về ung bướu như BV K chỉ mới đạt 0,5-0,6 cán bộ/giường bệnh. Như vậy, BV K còn thiếu 50% cán bộ mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người bệnh.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê thừa nhận, việc chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí dành cho công tác phòng, chống căn bệnh này không nhiều. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán sai về ung thư vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân...

Tử vong vì... thiếu hiểu biết

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, Phó Giám đốc BV K cho biết, tỷ lệ mắc ung thư đang gia tăng ở cả thế giới và Việt Nam. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân gây nên 30% bệnh ung thư, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng; 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản và 5-10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại virus, thuốc trừ sâu cũng là nguyên nhân gây bệnh và người làm việc trong môi trường độc hại có nguy cơ mắc ung thư cao. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, năm 2000, số ca mắc ung thư là 68.810, năm 2010 lên tới 126.307 ca và ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ là 189.000.

Kết quả nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (được tiến hành tại 8 quốc gia) cho thấy, bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán. Trong đó, việc sử dụng chi phí hộ gia đình cho điều trị dẫn đến 41% bệnh nhân sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính nặng nề. Thêm nữa, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh và không thể không lo ngại khi biết rằng kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư còn rất thấp. Qua nghiên cứu, tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3%; 19,7% không kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ ung thư…

Có 5 loại ung thư thường gặp là ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư đầu cổ và ung thư phổi. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ung thư phổi ở nam giới tăng, ung thư vú ở nữ giới là phổ biến nhất, số người mắc tăng gấp đôi. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư. Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.

Chẩn đoán là số 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhận định: Ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa như người dân thường nghĩ. Bằng các biện pháp phòng bệnh, hiện chúng ta có thể phòng được trên 30% bệnh ung thư. Đơn giản như việc không hút thuốc lá, thuốc lào đã loại trừ được tới trên 90% ung thư phổi, 80% ung thư hạ họng thanh quản và nhiều loại ung thư khác. Ngoài ra, với chế độ dinh dưỡng hợp lý, an toàn kết hợp với việc tập luyện, tiêm vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin phòng virus gây u như ở người (HPV) có thể loại bỏ được phần lớn ung thư gan, cổ tử cung, đại trực tràng, vú…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho rằng, ở nước ta, tỷ lệ chữa khỏi bệnh này chưa cao do phần nhiều (trên 70%) tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Mặc dù, nhiều thiết bị hiện đại đã được trang bị phục vụ cho người bệnh nhưng công tác sàng lọc phát hiện sớm mới dừng lại ở bước thí điểm, chưa được tiến hành thường quy. "Cuộc chiến chống ung thư không phải của ngành Y tế mà của cả cộng đồng. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và sự tích cực tham gia, hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức, công ty, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước", Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nói.

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, trong chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, bệnh ung thư được đề cập đến hàng đầu. Điều quan trọng cần làm trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong là không chỉ tăng cường công tác điều trị mà đồng thời phải phòng chống bệnh. Tiêu chuẩn chẩn đoán là điều kiện số 1, do đó phải kiện toàn hệ thống này, không để xảy ra tình trạng, người không bị u lại chẩn đoán bị u và ngược lại. Tiếp đến là hệ thống chăm sóc giảm nhẹ, rồi đến điều trị nội khoa, quy hoạch mạng lưới xạ trị...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống ung thư: Cuộc chiến của cộng đồng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.