Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề phòng nguy cơ đột quỵ khi nắng nóng

An Hà| 15/05/2020 17:07

(HNMCT) - Dự báo trong mùa hè năm nay, miền Bắc sẽ trải qua các đợt nắng nóng kéo dài, do vậy, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính cần chú ý chăm sóc sức khỏe, phòng tránh nguy cơ đột quỵ.

Người già, trẻ nhỏ hoặc một số người kém thích nghi với nhiệt độ cao dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng nóng.

Hậu quả nặng nề

Những năm qua, các tỉnh miền Bắc ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do đột quỵ, sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Bộ môn Thần kinh học, Học viện Quân y 103) cho biết, người già, trẻ nhỏ hoặc một số người kém thích nghi với nhiệt độ cao dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, người phải làm việc hoặc tập luyện quá lâu ở môi trường nắng nóng nhưng thiếu trang bị bảo hộ, người đang mắc các bệnh mạn tính như tim, phổi, người béo phì, suy dinh dưỡng cũng đối diện nguy cơ đột quỵ.

Lý giải về nguy cơ đột quỵ khi thời tiết nắng nóng, Giáo sư Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam phân tích: Thời tiết nắng nóng khiến người bệnh căng thẳng, mệt mỏi, nền nhiệt cơ thể tăng, dễ gây mất nước, làm máu đặc hơn và tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nhiệt độ từ 32°C trở lên thì nguy cơ nhồi máu não của người cao tuổi càng tăng. Ở những người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim... luôn tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, khi thời tiết nắng nóng bất thường thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Nói về mức độ nguy hại của đột quỵ, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ, đột quỵ là một trong ba loại bệnh gây tử vong hàng đầu, điều trị tốn kém mà hiệu quả không cao vì thường để lại di chứng nặng nề như tàn phế, liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống thực vật. Các nghiên cứu cho thấy, 60 - 70% bệnh nhân sau tai biến phải có sự trợ giúp một phần hay hoàn toàn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cùng với nguy cơ đột quỵ, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40°C, con người dễ bị chuột rút, ngất, say nắng..., trong đó, nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh tim mạch, gan, ung thư..., những người lao động ngoài trời; nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể chết hoặc để lại di chứng nặng nề.

“Giờ vàng” điều trị

“Giờ vàng” là khoảng thời gian 4 - 6 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) nếu đến bệnh viện kịp thời thì hiệu quả điều trị cao hơn, chi phí điều trị thấp hơn và ít để lại di chứng. Ngược lại, nếu để qua “giờ vàng” thì điều trị khó khăn, chi phí rất cao, di chứng nặng nề. Thực tế cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ được đưa vào cấp cứu trong “giờ vàng” khoảng 1,5%; tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 5 - 7%.

Để bệnh nhân đột quỵ được điều trị trong khoảng “giờ vàng”, bác sĩ Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: Người dân cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ. Nếu người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, đột ngột không nói được, nói không tròn vành rõ chữ, cười mồm méo, lệch một bên... thì phải ngay lập tức nhờ tới sự can thiệp của cơ sở y tế.

Bác sĩ Tôn khuyến cáo: Trong khi đợi xe cấp cứu, cần cho người bệnh nằm ở tư thế đầu cao, lưng nghiêng 45 độ để khi bệnh nhân bị nôn thì đờm dãi không chui vào mũi, miệng, phổi; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Người nhà tuyệt đối không cho bệnh nhân đột quỵ ăn, uống bất kỳ thuốc gì, cũng không xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu ở đầu ngón tay hay sau tai vì đây là những biện pháp không có tác dụng. “Lúc này, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái mê man, uống nước hay thuốc đều dễ bị sặc, làm tắc đường thở. Từng có bệnh nhân chết vì sặc thuốc chứ không phải vì đột quỵ”, bác sĩ Tôn lưu ý.

Khi thời tiết nắng nóng, ngoài đột quỵ thì tình trạng sốc nhiệt cũng dễ xảy ra, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người dân. Nếu gặp bệnh nhân sốc nhiệt với các triệu trứng như kích thích vật lộn, thân nhiệt tăng cao, dấu hiệu mất nước, đau đầu, nôn mửa... thì cần đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi có bóng râm. Lúc này, cần cho nạn nhân uống nước mát (nếu nạn nhân uống được). Nếu nạn nhân mất ý thức, không thấy dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).

Theo các chuyên gia y tế, những người có nguy cơ đột quỵ do nắng nóng nên hạn chế ra ngoài trời vào mùa hè, nhất là vào những thời điểm nắng gắt. Nếu buộc phải ra ngoài, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, sáng màu, đeo kính râm và đội mũ rộng vành.

Khi sử dụng điều hòa, cần chú ý không để mức nhiệt trong phòng chênh lệch quá lớn so với ngoài trời. Bên cạnh đó, mọi người cần bổ sung nước thường xuyên, kể cả khi không khát để đề phòng hiện tượng máu tăng đặc, dẫn tới hình thành huyết khối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng nguy cơ đột quỵ khi nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.