Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người mắc bệnh tăng huyết áp đang trẻ hoá

Thu Trang| 27/06/2020 13:04

(HNMO) - Ngay từ sáng sớm hôm nay (27-6), hơn 100 người dân đã đến tham gia chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp do Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tổ chức. Đáng lo ngại, tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm và người mắc bệnh này ngày càng trẻ hoá. Tại chương trình, bệnh nhân trẻ tuổi bị tăng huyết áp chiếm từ 30-40%.

Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) khám và tư vấn cho người bệnh tăng huyết áp sáng 27-6.

95% bệnh nhân tăng huyết áp bị dày thành tim

Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, trong số 30-40% người trẻ bị tăng huyết áp đến khám tại chương trình, có 2 bệnh nhân mới 22 tuổi đã mắc bệnh. Các bác sĩ tiếp tục cho các bệnh nhân làm thêm xét nghiệm để tìm căn nguyên gây tăng huyết áp.

"95% tăng huyết áp không có nguyên nhân, thường tập trung ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi. Còn lại 5% tăng huyết áp có nguyên nhân thường tập trung ở nhóm người trẻ. Nguyên nhân gây tăng huyết áp thường do bệnh lý về thận, như: Suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp còn do có rối loạn chuyển hoá, cường tuyến giáp, cường tuyến yên, cường tuyến thượng thận... và do hút thuốc, béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai...", bác sĩ Khổng Tiến Bình nói.

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã cấp cứu ngay trong đêm cho một nam thanh niên (34 tuổi, ở Thái Nguyên) được chuyển từ tuyến dưới lên vì bị phình, tách động mạch chủ týp A trên nền bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Thế nhưng, bệnh nhân không biết mình mắc những bệnh này. Người nhà bệnh nhân cho biết, nam thanh niên hay hút thuốc lá, uống bia rượu, nặng gần 100kg và cao 1,7 m. 

Nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đo huyết áp cho người dân.

Theo bác sĩ Khổng Tiến Bình, lóc tách động mạch chủ ngực là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với lóc tách động mạch chủ týp A. Sau ca phẫu thuật 10 ngày, sức khoẻ của bệnh nhân nói trên đã hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, vẫn duy trì lối sống thiếu khoa học thì nguy cơ bệnh tái phát rất cao. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã có những trường hợp phải mổ đến 4 lần.

Những biến chứng của tăng huyết áp rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong. Trong các ca bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện nay, khoảng 70% liên quan đến tăng huyết áp. Bác sĩ Khổng Tiến Bình cho biết, bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng đặc hiệu nhưng đa phần bệnh nhân đến khám có biểu hiện: Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu... Khi siêu âm tim phát hiện độ dày thành tim tăng, các bác sĩ xác định bệnh nhân chắc chắn bị tăng huyết áp. Một trong những dấu hiệu sớm của tăng huyết áp chính là dày thành tim (hay dày thành thất). Hơn 90% bệnh nhân đến khám sáng nay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức bị dày thành tim.

Áp dụng lối sống khoa học, hạn chế ăn mặn

Dù tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng thường ít có triệu chứng thể hiện rõ rệt. Do đó, nhiều người không phát hiện bệnh kịp thời, mà chỉ tình cờ phát hiện tăng huyết áp khi đi khám một bệnh lý khác. 

Người dân đăng ký khám và tư vấn điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức sáng 27-6.

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ.

Cụ thể, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Bên cạnh đó, cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.

Các bác sĩ tại buổi khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp hôm nay cũng đưa ra khuyến cáo, người trưởng thành cần thường xuyên đo, kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh; uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế; không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều...

Một lưu ý khác được các bác sĩ đưa ra để phòng tăng huyết áp, đó là chế độ ăn giảm mặn và mỡ. Chế độ ăn thừa muối có nguy cơ cao dẫn tới tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch. Trong khi đó, người dân Việt Nam thường có thói quen chấm nhiều loại nước chấm, nước mắm, sử dụng các đồ ăn nhanh chứa nhiều muối khiến lượng muối đưa vào cơ thể nhiều và khó định lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người mắc bệnh tăng huyết áp đang trẻ hoá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.