Chủ Nhật, 12/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
(HNMO) - Tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được tổ chức chiều 11-10, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, nên cần được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo trên toàn ngành chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với việc xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành cũng như tại từng tổ chức tín dụng.
Đến nay, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%...
Tại diễn đàn, đại diện các ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những thành tựu trong việc chuyển đổi số, sáng tạo số.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), 90% quy trình được thực hiện trên kênh số. Ngay kể cả quy trình liên quan đến nhân sự vốn được cho rằng cần phải giữ bí mật, tế nhị…, chỉ dùng trên giấy tờ, thì nay cũng được thực hiện trên nền tảng số.
Hay đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), công nghệ tài chính hiện đại giúp ngân hàng số mang đến cho khách hàng những khoản vay nhỏ lẻ một cách mau chóng mà không cần nhiều thủ tục phức tạp, giúp cho trải nghiệm tài chính được an toàn và thuận tiện hơn.
Mặc dù đã có những kết quả bước đầu khả quan, nhưng ngành Ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới; từ đó đặt ra cho ngành Ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.