Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc: Củng cố sức mạnh mềm tại Mỹ Latinh

Thùy Dương| 01/12/2018 07:49

(HNM) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du tới Argentina và Panama nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 13 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Trung Quốc nhập khẩu đậu tương nhiều nhất từ các nước Mỹ Latinh.


Trong chuyến thăm Argentina của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tuần này, Buenos Aires kỳ vọng vào một thỏa thuận với Bắc Kinh về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Atucha III. Dự án có trị giá lên đến 8 tỷ USD là biểu tượng của việc tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao và văn hóa giữa Trung Quốc với quốc gia Nam Mỹ này. Quan trọng hơn, nó là một trong những động lực thúc đẩy ảnh hưởng rộng rãi của Bắc Kinh tại Mỹ Latinh, điều đang dấy lên hồi chuông báo động với Mỹ. Thực tế, đầu năm 2018, khi Argentina đàm phán một thỏa thuận tài chính trị giá 56,3 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu nền kinh tế gặp khó khăn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch và sự lãnh đạo của Tổng thống Mauricio Macri.

Tuy nhiên, trong lúc này, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác thương mại, nhà đầu tư và tài chính quan trọng của Argentina. Bắc Kinh đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế xứ sở của vũ điệu Tango và tạo nên vị trí một người cho vay đáng tin cậy đối với đất nước đang gặp khủng hoảng về tài chính. Trong chuyến thăm Argentina lần này, hai nước dự kiến sẽ ký một thỏa thuận trao đổi tiền tệ, tăng gấp đôi số tiền ban đầu của hạn mức lên 18,7 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ đưa Trung Quốc trở thành người cho vay phi tổ chức lớn nhất đối với Argentina.

Tiếp đó, với chặng dừng chân ở Panama - một đồng minh của Washington, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp người đồng cấp Juan Carlos Varela ở thủ đô Panama City. Hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến lễ ký khoảng 20 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và cơ sở hạ tầng… Nằm tại Trung Mỹ và tiếp giáp với hai quốc gia Costa Rica, Colombia nên Panama được Mỹ ghi nhận vai trò quan trọng tại Tây bán cầu, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, với kênh đào Panama dài 82km nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai sau Mỹ.

Trong thập niên qua, Mỹ ít chú ý đến "sân sau" của mình ở châu Mỹ mà tập trung vào chính sách xoay trục về châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc đã âm thầm thực hiện kế hoạch tiếp cận Mỹ Latinh khi xác định quan hệ chiến lược với vùng đất này vào năm 2008. Sự cởi mở của Bắc Kinh đúng vào thời điểm khu vực này lâm vào khủng hoảng tài chính. Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với dầu, sắt, đậu tương và đồng đã giúp nhiều nước Mỹ Latinh tránh khỏi những thiệt hại kinh tế tồi tệ nhất. Trung Quốc mở rộng thương mại, giúp đỡ các chính phủ, xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, tăng cường quan hệ quân sự và mua những khoản tài nguyên lớn nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.

Chỉ trong vòng 10 năm, sức mạnh mềm của Trung Quốc đã vươn tới Mỹ Latinh. Người khổng lồ châu Á trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn ở khu vực. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ đang dịch chuyển xa khỏi Mỹ Latinh sẽ là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc xích lại gần hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng dù Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực thì sức ảnh hưởng vẫn khó có thể bắt kịp với Mỹ, nhất là khi đầu tư của Trung Quốc được cho là thiếu ổn định và kém đa dạng hơn. Do vậy, trên con đường mở rộng quyền lực mềm ở khu vực này, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm và thử thách phải vượt qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc: Củng cố sức mạnh mềm tại Mỹ Latinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.