Theo dõi Báo Hànộimới trên

Iraq: Thách thức lớn trên chính trường

Thùy Dương| 01/12/2019 07:20

(HNM) - Trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự có nhiều bất ổn liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua, ngày 29-11, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã quyết định sẽ đệ đơn từ chức lên Quốc hội, mở đường cho các nghị sĩ có thể lựa chọn một chính phủ mới.

Thủ tướng A.Mahdi đưa ra quyết định trên nhằm đáp lại lời kêu gọi thay đổi lãnh đạo của lãnh tụ tinh thần, Giáo chủ Hồi giáo Shiite Iraq Ayatollah Ali al-Sistani. Đại giáo chủ Iraq kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội nước này nên xem xét lại việc ủng hộ các thành viên Nội các. Theo ông, Chính phủ Iraq cần có những lãnh đạo mới và họ phải là những người hành động vì lợi ích quốc gia và có thể ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng. Dù chưa rõ thời điểm chính xác mà ông A.Mahdi từ chức, song dự kiến hôm nay (1-12), Quốc hội Iraq sẽ nhóm họp để bàn về cuộc khủng hoảng này.

Thủ tướng Iraq A.Mahdi quyết định sẽ đệ đơn từ chức trong bối cảnh làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng tại quốc gia này.

Từ đầu tháng 10-2019 đến nay, Iraq chứng kiến một làn sóng các cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng A.Mahdi, bắt nguồn từ sự bất mãn của người dân đối với Chính phủ khi hoàn cảnh sống của họ ngày một khó khăn. Đây là đợt biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi Mỹ tấn công lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003, với sự tham gia của hàng triệu người trên toàn quốc, đặc biệt ở Thủ đô Baghdad và Basrah, thành phố cảng lớn thứ hai của Iraq.

Chính quyền A.Mahdi đã điều nhiều đơn vị cảnh sát chống bạo động đến để bảo vệ an ninh và trật tự cho thành phố Baghdad và Basrah. Tuy nhiên, đến nay các cuộc biểu tình ngày càng thu hút nhiều tầng lớp tham gia và có quy mô lớn hơn. Cảnh sát đã dùng vũ khí nóng, kể cả xe tăng và xe bọc thép để giải tán những người biểu tình. Tính đến ngày 29-11, đã có 400 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đường phố này.

Nguyên nhân chính của phong trào biểu tình là sự bất mãn đã lên đến tột độ của quần chúng nhân dân đối với sự điều hành yếu kém của chính phủ. Iraq đã phải trải qua nhiều cuộc xung đột đẫm máu, từ chiến tranh năm 1980-1988 với nước láng giềng Iran đến cuộc xâm lược năm 2003 của Mỹ lật đổ Saddam Hussein, sau đó là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỗi cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người và nhiều người bị thương tật vĩnh viễn. Dù đất nước có nguồn dầu lửa dồi dào, song nhiều người dân Iraq vẫn sống trong nghèo đói và chỉ được tiếp cận hạn chế với điện, nước sạch, y tế và giáo dục. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến bùng nổ các cuộc biểu tình là nạn tham nhũng tràn lan ở Iraq. Vấn nạn này đã cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước. Iraq đang tiến hành điều tra hơn 5.000 vụ tham nhũng, trong đó phần lớn là các quan chức cấp cao trong chính phủ. Tổ chức Minh bạch quốc tế (ITO) xếp Iraq là một trong 12 nước tham nhũng nhất thế giới.

Những người biểu tình gần đây không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống, các dịch vụ công cộng, tạo việc làm và chống tham nhũng nữa, mà đã đưa ra những yêu cầu về chính trị. Phong trào biểu tình rầm rộ không ngớt trên đường phố Baghdad đòi lật đổ chế độ, yêu cầu rút quân Mỹ và chấm dứt ảnh hưởng của Iran trong đời sống chính trị của Iraq.

Trước tuyên bố từ chức của Thủ tướng Iraq, hàng nghìn người dân biểu tình tại quốc gia Trung Đông này đã xuống đường ăn mừng “chiến thắng”, cho rằng lời kêu gọi cải cách của họ bước đầu đã có thành công. Họ khẳng định sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi toàn bộ Nội các hiện tại từ chức. Dù Iraq có thể có được một chính quyền mới trong tương lai, song những vấn đề tồn tại của quốc gia này khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Đây được coi là thách thức lớn chưa từng thấy kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS cách đây gần 2 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Iraq: Thách thức lớn trên chính trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.