Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi ám ảnh di cư

Minh Hiếu| 15/03/2020 07:34

(HNM) - Đối mặt với làn sóng gần 1 triệu người tháo chạy khỏi các cuộc xung đột và giao tranh tại miền Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa khẩu biên giới với Hy Lạp để hàng nghìn người tị nạn đặt chân tới "miền đất hứa" châu Âu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố sẽ duy trì việc mở cửa biên giới để người tị nạn vào châu Âu, cho đến khi Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng mọi yêu cầu của nước này. Làn sóng người di cư ồ ạt những ngày gần đây đã gợi lại “bóng ma” của cuộc khủng hoảng tại khu vực biên giới châu Âu như từng xảy ra hồi năm 2015. 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú chân của 4 triệu người tị nạn, trong đó có khoảng 3,6 triệu người đến từ Syria. Hồi năm 2015, khoảng 1 triệu người nhập cư đã đến châu Âu, chủ yếu vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp trong khi một lượng nhỏ đi từ Libya đến Italia. Theo thỏa thuận năm 2016, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và ngăn chặn dòng người di cư vào Lục địa già để đổi lấy 6 tỷ euro (tương đương 6,74 tỷ USD) tiền hỗ trợ từ phía EU. 

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã không nhận được toàn bộ số tiền này, đồng thời hàng loạt cam kết khác như các quy định thương mại và thị thực không được thực thi đầy đủ. Chính quyền của Tổng thống R.Erdogan cũng cáo buộc các quỹ mà EU hứa hẹn sẽ giúp nước này đối phó với 3,6 triệu người tị nạn Syria vẫn chưa được giải ngân đúng hẹn. Do đó, Ankara thông báo mở cửa biên giới và cho phép người di cư đến Lục địa già như một cách để gây áp lực với chính phủ các nước EU trong vấn đề Syria.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, vào cuối tháng 2, khoảng 13.000 người di cư đã đến được khu vực biên giới dài 212km của Hy Lạp khi các biện pháp kiểm soát trên biển và trên đất liền được nới lỏng. Giới chức Hy Lạp đã bắt giữ và cáo buộc 218 người với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp sau khi vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, ngay trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới, số người di cư đến Hy Lạp hồi cuối năm 2019 cũng đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2016. 

Điều này khiến các quan chức EU lo ngại nguy cơ lặp lại một cuộc khủng hoảng di cư vốn gây chia rẽ giữa các thành viên trong khối. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn tình hình diễn biến xấu hơn và kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo bởi các trại tị nạn dành cho người di cư trên các đảo ở Hy Lạp thường vượt quá sức chứa. Những nỗ lực của chính phủ Hy Lạp để xây dựng các trại tị nạn mới trên đảo Lesbos và Chios cũng đã dẫn đến tình trạng biểu tình và bạo động trên các đảo này. 

Do đó, trước tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan, các nước tại châu Âu có biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ như Hy Lạp và Bulgaria đã nhanh chóng huy động lực lượng cảnh sát và quân đội để ứng phó với tình huống khẩn cấp, đồng thời chuẩn bị tốt hơn nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra tình trạng vượt biên quy mô lớn như hồi năm 2015. Tuy nhiên, kịch bản này rất có thể sẽ tái diễn khi khu vực biên giới không được kiểm soát chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi ám ảnh di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.