Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên gia WHO: Khoảng 40% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng

Hoàng Linh| 10/06/2020 06:39

(HNMO) - Trưởng kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove nhận định, có thể khoảng 40% trường hợp mắc Covid-19 là từ những người không có triệu chứng.

Nhiều người không có triệu chứng mắc Covid-19 vẫn có thể mang vi rút SARS-CoV-2.

Tính tới 6h ngày 10-6, thế giới đã ghi nhận 7.305.454 người mắc Covid-19, trong đó 412.860 người đã tử vong, 3.593.002 người hồi phục. Việc dịch tạm lắng tại các quốc gia châu Âu giúp các nền kinh tế châu lục này dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp tại châu Mỹ và một số nước châu Á, buộc chính phủ nhiều nước phải thận trọng cân nhắc kế hoạch nối lại hoạt động kinh tế.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Tijjani Muhammad-Bande cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của LHQ, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ không đến New York để dự kỳ họp cấp cao thường niên ĐHĐ LHQ lần thứ 75 vào cuối tháng 9 tới do đại dịch.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngành hàng không thiệt hại 84 tỷ USD trong năm nay, mức cao kỷ lục; và năm 2020 sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không". Năm 2021, ngành sẽ tiếp tục thiệt hại 15,8 tỷ USD, nâng tổng thiệt hại vì dịch bệnh lên khoảng 100 tỷ USD, vì sự phục hồi vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng. 

Châu Âu

Tại Pháp, tháp Eiffel sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 25-6. Tuy nhiên, địa điểm này trước mắt sẽ chỉ tiếp nhận một lượng khách tham quan hạn chế và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang với mọi du khách từ 11 tuổi trở lên.

Đức có kế hoạch gia hạn cảnh báo đi lại đối với hơn 160 quốc gia ngoài khu vực Liên minh châu Âu (EU) cho đến ngày 31-8 tới do lo ngại nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Chính phủ Anh thừa nhận khó có thể mở cửa trở lại các trường tiểu học một tháng trước kỳ nghỉ hè như dự định, do những trở ngại chính như thiếu nhân lực và khó đảm bảo các quy định an toàn mới.

Tại Nga, người dân thủ đô Mátxcơva bắt đầu nối lại các hoạt động bình thường. Người dân có thể tự do đi ra khỏi nhà nếu muốn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi lại trong thành phố bằng xe riêng. Các hạn chế khác dự kiến sẽ được dỡ bỏ trong tháng 6.

Nhằm góp phần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, các nghị sĩ Thụy Sĩ đã “bật đèn xanh” cho việc triển khai ứng dụng theo dõi tiếp xúc bằng công nghệ không dây Bluetooth. 

Chính phủ Slovenia thông báo mở cửa khẩu cho phép công dân của 14 nước châu Âu qua lại do tình hình dịch bệnh trong khu vực diễn biến tích cực. 

Châu Mỹ

Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) - chi nhánh châu lục của WHO - đã ban hành hướng dẫn tác động của đại dịch Covid-19 tới các cộng đồng nhạy cảm như người da màu và thổ dân bản địa, bao gồm các biện pháp chủ yếu, như: Bảo đảm nguồn nước sạch và xà phòng, hợp tác với những người chữa bệnh bằng y học dân tộc và cung cấp thông tin bằng các ngôn ngữ thổ dân. 

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ Covid-19 với 2.043.821 trường hợp nhiễm bệnh, 114.118 trường hợp tử vong. Tín hiệu đáng mừng là số ca tử vong mới tại quốc gia này đã có chiều hướng giảm, khi chỉ ở mức 1.063 ca trong 24 giờ qua so với ngưỡng trung bình hơn 3.000 ca/ngày của tháng 4. Tuy nhiên, các chuyên gia về dịch bệnh cảnh báo các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể dẫn tới bùng phát đợt dịch mới.

Canada đã miễn trừ lệnh cấm hoạt động đi lại không thiết yếu qua biên giới, cho phép hàng nghìn công dân người nước ngoài đoàn tụ với gia đình. Quyết định này được áp dụng đối với các đối tượng không phải người Canada, là vợ hoặc chồng, trẻ em, phụ huynh hay người giám hộ công dân Canada, người có thẻ thường trú của Canada. Những người này phải bảo đảm không mắc hoặc có triệu chứng mắc Covid-19, và phải có kế hoạch ở Canada trong ít nhất 15 ngày. Khi tới Canada, họ phải tự cách ly 2 tuần. 

Argentina cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn có hiệu lực đến ngày 28-6. 

Châu Á

Tình hình vẫn phức tạp tại một số điểm nóng như Ấn Độ và Iran. Ngày 9-6, giới chức thủ đô Delhi (Ấn Độ) cảnh báo số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại vùng này có thể tăng gấp 20 lần (tương đương khoảng 500.000 ca) trong vài tuần tới. Tới nay, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã ghi nhận 276.146 ca nhiễm, đứng thứ 5 thế giới. Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của đại dịch, nhưng trên thực tế, dịch bệnh vẫn lây lan mạnh.

Một quan chức y tế Iran ước tính, khoảng 15 triệu người dân nước này, tương đương với 18,75% dân số, có thể đã nhiễm vi rút kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ tháng 2. Hiện, Iran ghi nhận 8.425 ca tử vong và 175.927 ca nhiễm. 

Israel đã buộc phải ngừng nới lỏng các quy định liên quan dịch (như mở lại dịch vụ đường sắt quốc gia, các nhà hát và rạp chiếu phim) trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh. Nước này ghi nhận tổng cộng 18.032 ca nhiễm, trong đó có 148 ca nhiễm mới. 

Ở Đông Nam Á, Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất kể từ 11-4, với 218 trường hợp trong 24 giờ qua, chủ yếu là lao động nhập cư. Tới nay, "đảo quốc sư tử" đã có 38.514 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 25 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, tình hình lại trái chiều ở Indonesia, khi quốc gia này ghi nhận thêm 1.043 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 33.076 ca nhiễm, trong đó có 1.923 ca tử vong. 

Thái Lan có thêm 2 ca nhiễm mới, đưa tổng số lên 3.121 ca. Trong 15 ngày qua, Thái Lan không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Số ca tử vong do Covid-19 tại Thái Lan hiện là 58 người. Trong khi đó, tại Lào, bệnh nhân cuối cùng trong số 19 bệnh nhân Covid-19 tại nước này đã xuất viện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia WHO: Khoảng 40% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.