Theo dõi Báo Hànộimới trên

Boxing nữ Thủ đô vững vàng gánh trọng trách

Dương Chi| 08/12/2021 14:56

(HNMO) - Đội tuyển boxing nữ Hà Nội vừa thi đấu thành công, giành ngôi vị Nhất toàn đoàn Giải vô địch Boxing toàn quốc năm 2021 (kết thúc tối 4-12 tại Bắc Ninh). Đang trong giai đoạn cách ly bảo đảm an toàn dịch Covid-19 sau khi thi đấu, huấn luyện viên Boxing nữ Hà Nội Nguyễn Như Cường - Huấn luyện viên quốc tế 3 sao đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại - đã dành cho phóng viên Báo Hànộimới một cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại.

Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội - trái) bảo vệ thành công ngôi vô địch tại Giải vô địch Boxing toàn quốc năm 2021 (Bắc Ninh). Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Chúc mừng thành công của Boxing nữ Hà Nội. Một lần nữa, Boxing nữ Hà Nội đã khẳng định được vị thế số 1 trong làng boxing nữ cả nước, ông đánh giá thế nào về màn thể hiện của các học trò mình?

- Tranh tài cùng 300 vận động viên (VĐV) thuộc 25 tỉnh, thành, ngành, thi đấu ở 2 nhóm tuổi 17-18 và 19-40 tuổi, đội tuyển Boxing nữ Hà Nội tiếp tục thể hiện đẳng cấp của mình khi giành 8 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ, xếp nhất toàn đoàn cả 2 lứa tuổi. Tôi thực sự hài lòng với màn thể hiện của các học trò, bởi dù kế hoạch tập huấn và thi đấu năm 2021 bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19, nhưng với tinh thần tập luyện cao độ và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đội tuyển Boxing nữ vẫn xứng đáng giữ vị trí số 1 của Boxing nữ Việt Nam.

- Ông vừa nói đến những giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập luyện và thi đấu của đội trong năm 2021. Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Dịch Covid-19 đã khiếu nhiều giải thi đấu, tập huấn trong nước và quốc tế năm 2021 bị hủy bỏ. Bộ môn Boxing nữ Hà Nội liên tục phải thay đổi giáo án để phù hợp tình hình và bảo đảm kỹ chiến thuật, thể lực cho VĐV với từng giai đoạn giãn cách xã hội như: Tập luyện online, xem video, chia nhóm nhỏ các VĐV để tập theo giờ...

Cùng với những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong nội bộ của đội, chúng tôi cũng được sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội trong việc tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho VĐV, trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng, máy đo thân nhiệt… phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về tình hình của boxing nữ Hà Nội hiện nay?

- Boxing phát triển rất mạnh trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, việc tập luyện môn Boxing nữ chính thức được khởi đầu ở Hà Nội năm 2004. Đến nay, đã có gần 60 VĐV Boxing nữ đang tập luyện tập trung tại Bộ môn Boxing Hà Nội. Với đội ngũ huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm và dưới sự hướng dẫn của chuyên gia người Thái Lan Tawan Mungphingklang, các VĐV được chia ra làm 3 tuyến, tập luyện ngày 2 buổi, gồm tuyến đội tuyển, đội tuyển trẻ, và đội tuyển năng khiếu. Tại Hà Nội, Boxing nữ còn được triển khai các lớp năng khiếu tại các quận, huyện. Tuy nhiên, trong công tác tuyển sinh vẫn có phần gặp nhiều khó khăn hơn so với nhiều môn võ khác...

- Xin ông nói rõ hơn về những khó khăn này?

- Thứ nhất, về tâm lý, quan niệm con gái tập võ Boxing sẽ nam tính khiến chúng tôi rất khó thuyết phục để các gia đình đồng ý cho con em theo tập môn này. Thứ hai, Boxing là môn đối kháng, nữ sẽ vất vả hơn nam nhiều, từ chuyện bị xây xước tay, chân, ảnh hưởng đến vẻ đẹp, cho đến việc buộc phải để tóc ngắn để phù hợp với chuyên môn. Thứ ba, trên ti vi thường chiếu các trận đấu của các võ sĩ nhà nghề, thi đấu rất “khốc liệt”, khiến nhiều gia đình không muốn con gái mình tập Boxing (thực ra, thi đấu Boxing nghiệp dư khác nhiều với Boxing nhà nghề, an toàn hơn nhiều). Thứ tư, các VĐV nữ sẽ rất mệt trong tập luyện và thi đấu khi đến chu kỳ hằng tháng. Thứ năm, các VĐV thường xuyên xa nhà và đi thi đấu tập huấn quanh năm, nhiều khi Tết không về nhà vì đang thi đấu và tập huấn tại nước ngoài.

- Năm 2022, Thể thao Thủ đô gánh nhiều trọng trách trong việc thi đấu thành công tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, phấn đấu có nhiều thành viên góp mặt trong đội tuyển quốc gia thi đấu tại SEA Games 31 và ASIAD 19. Ông kỳ vọng thế nào về các võ sĩ Boxing nữ Hà Nội? Mục tiêu Boxing nữ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung?

- Nếu tính cả Giải vô địch Boxing nữ thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ thì có thể nói năm 2022 là một năm có đủ tất cả các cấp độ giải đấu. Tôi nghĩ đây sẽ là năm thực sự khó khăn, khi mà chúng ta chưa thể biết tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến thế nào để có sự phân chia lực lượng, cũng như thời gian đề chuẩn bị cho các giải đấu thật hợp lý.

Tuy nhiên, Ban huấn luyện Boxing nữ Hà Nội luôn xác định việc giữ sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19 cho các VĐV là quan trọng nhất. Ban huấn luyện sẽ rất thận trọng khi lên kế hoạch và sẽ có điều chỉnh kịp thời tùy vào hoàn cảnh thực tế, phấn đấu đạt thành tích cao nhất tại các giải thi đấu.

- Boxing nữ Hà Nội có nhiều gương mặt nhiều triển vọng, tiêu biểu nhất là Nguyễn Thị Tâm (Huy chương vàng châu Á 2017, Huy chương vàng SEA Games 30, Huy chương đồng ASIAD 18). Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của Boxing nữ Thủ đô trong việc thực hiện nhiệm vụ thi đấu quốc gia và quốc tế?

- Nhờ có kế hoạch hợp lý và hiệu quả, trong năm 2021, Bộ môn Boxing nữ có VĐV Nguyễn Thị Tâm đã xuất sắc ghi danh vào lịch sử khi là VĐV Boxing nữ đầu tiên của Việt Nam giành quyền chính thức tham dự Olympic Tokyo 2021. Nhìn chung, các VĐV Boxing nữ trẻ của Hà Nội được đào tạo bài bản đang và sẽ dần dần phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

Những Nguyễn Thị Tâm, Hoàng Thị Mai… đều có thể hình tốt, có lòng đam mê môn Boxing, tập luyện chăm chỉ và có ý chí tiến thủ, luôn tôn sư trọng đạo. Ban huấn luyện sẽ lên kế hoạch để đào tạo các VĐV trẻ có đủ khả năng kế cận các VĐV lứa trên. Tuy nhiên, các em cần tập huấn và thi đấu quốc tế nhiều.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Boxing nữ Thủ đô vững vàng gánh trọng trách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.