Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền tảng cho golf chuyên nghiệp

Thu Minh| 12/02/2022 07:40

(HNM) - “Để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, định hướng phát triển đúng của môn golf ở nước ta là phải coi phát triển golf phong trào là “bàn đạp”, tạo nền tảng phát triển golf chuyên nghiệp”, phụ trách Bộ môn golf, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Huy Tiến chia sẻ. Đây cũng là hướng đi trong thời gian tới của bộ môn golf Hà Nội.

Vận động viên golf Nguyễn Thảo My. Ảnh: Trần Khánh

Ngày 11-2, Hội Golf thành phố Hà Nội khóa III (2021-2025) đã tổ chức Giải vô địch chủ tịch và tổng thư ký các câu lạc bộ Golf Hà Nội mở rộng tại sân golf Long Biên. Đây là một trong ba giải đấu thuộc hệ thống giải do Hội Golf thành phố Hà Nội công bố tổ chức trong năm 2022 (hai giải còn lại là Giải vô địch Hà Nội mở rộng, dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 23-4, tại sân golf Sky Lake và vòng chung kết Giải vô địch các câu lạc bộ Golf Hà Nội mở rộng, dự kiến diễn ra từ ngày 15-7 đến ngày 8-10, tại sân golf Sky Lake). Theo thống kê của Hội Golf thành phố Hà Nội, số người chơi golf trên địa bàn Thủ đô khoảng 20.000 người, trong đó số thành viên của Hội Golf thành phố Hà Nội là trên 10.000 người thuộc 85 câu lạc bộ thành viên.

Theo Phó Tổng Thư ký Hội Golf thành phố Hà Nội Đoàn Lê Quang, hệ thống giải đấu này nhằm đẩy mạnh hoạt động phong trào golf, góp phần nâng cao hoạt động golf thành tích, nuôi dưỡng golf đỉnh cao. “Thông qua việc sớm công bố lịch trình, chương trình thi đấu của cả năm, chúng tôi kỳ vọng số golf thủ tham dự các giải có thể lên đến hơn 1.700 người, tạo nên sự khởi sắc cho bộ môn golf của Thủ đô cũng như cả nước”, ông Đoàn Lê Quang nói.

Là người có gần 10 năm kinh nghiệm gắn bó với việc tuyển chọn, đào tạo, phát triển golf trẻ rất thành công ở Hà Nội, phụ trách Bộ môn Golf Hà Nội Nguyễn Huy Tiến cho rằng, muốn phát triển golf đỉnh cao, cần phải chú trọng đào tạo trẻ, huy động sự phối kết hợp trong đầu tư của gia đình, Nhà nước và xã hội, tạo cơ chế khuyến khích và thu hút sự ủng hộ dành cho các vận động viên về sân tập luyện, sân thi đấu, cũng như chế độ, tiêu chuẩn bồi dưỡng dành cho các vận động viên hằng tháng. Với các giải đấu, nên có 1 bảng đấu dành cho các golf trẻ, tạo điều kiện cho các em thi đấu để tăng tính cạnh tranh và sớm có điều kiện trưởng thành.

Kinh nghiệm phát triển golf trẻ của Hà Nội gần 10 năm qua là minh chứng cho chủ trương đúng đắn này. Cùng với việc tăng cường sự kết hợp giữa gia đình - Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội hóa, liên tiếp từ năm 2013 đến 2019 (năm 2020 và năm 2021 bị gián đoạn bởi dịch Covid-19), mỗi năm Hà Nội tổ chức được khoảng 6-7 giải, thậm chí có năm còn tổ chức được tới 11 giải đấu. Nhờ vậy, Hà Nội đã có lực lượng golf trẻ rất mạnh và luôn bảo đảm có sự kế cận. Tiếp nối lứa Nguyễn Thảo My, Đoàn Xuân Khuê Minh, có Phạm Thị Yến Vy, Lê Trúc An; sau Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đặng Minh… có Nguyễn Anh Minh, Đoàn Uy. Đặc biệt, Nguyễn Thảo My trưởng thành từ phong trào golf trẻ đã giành học bổng học đại học tại Mỹ, sau khi tốt nghiệp đã chuyển hướng thi đấu chuyên nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tham gia đào tạo, huấn luyện các golf thủ trẻ tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng cho golf chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.