Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Mai Hoa| 24/11/2018 07:49

(HNM) - Với Việt Nam, khả năng phát triển kinh tế thể thao là rất lớn. Đáng tiếc là thời gian qua tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức để trước hết phục vụ lĩnh vực thể thao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung.

Hội thảo bàn về giải pháp phát triển kinh tế thể thao. Ảnh: Minh Thu



Trông người, ngẫm ta

Tại Triển lãm quốc tế về thiết bị thể thao tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 11-2018, riêng tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã có 53 công ty tham gia với 92 gian hàng, trong đó có những thương hiệu mạnh của thể thao Trung Quốc như Hongxing Erke, Xiamen Weishi, 3610... Trong khuôn khổ triển lãm, trao đổi với báo giới tại một hội thảo bàn về giải pháp phát triển kinh tế thể thao, ông Ruan Weixing, Chủ tịch Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch Công ty TNHH Triển lãm quốc tế Huiyuan (Trung Quốc), cho biết: "Tổng giá trị của ngành công nghiệp thể thao Trung Quốc năm 2016 là 1.900 tỷ nhân dân tệ, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2015. Sang năm 2017, tổng giá trị của ngành này chiếm 0,9% GDP Trung Quốc. Với chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, dự đoán tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp thể thao Trung Quốc sẽ đạt mốc 3.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 và tới năm 2022 sẽ vượt mốc 3.500 tỷ nhân dân tệ".

Nghiên cứu về sự phát triển kinh tế thể thao của nhiều quốc gia, PGS.TS Phạm Ngọc Viễn đưa ra ví dụ minh chứng cho hiệu quả của việc tạo nguồn thu và làm tăng quy mô của nền kinh tế nếu khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thể thao. Ông Phạm Ngọc Viễn nhấn mạnh: "Ở Mỹ, kinh doanh thể thao chiếm hơn 2,4% GDP, xếp thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước Mỹ. Quy mô tổng thị trường đạt 400-435 tỷ USD mỗi năm, gấp 2 lần ngành công nghiệp ô tô và 7 lần so với ngành công nghiệp điện ảnh. Tại Anh, tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh thể thao đã vượt tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế Anh trong 2 thập niên gần đây. Số lượng người tham gia vào các công việc liên quan đến thể thao tăng liên tục, chiếm khoảng 2% lực lượng lao động".

Còn ở Việt Nam thì sao? Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhận xét: "Việc quá phụ thuộc vào ngân sách đã cản trở lộ trình hòa nhập của thể thao Việt Nam với thể thao châu lục và thế giới. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật thể thao... tuy đã được Nhà nước đầu tư rất lớn, song việc quản lý, sử dụng gắn với hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa xã hội chưa thực sự hiệu quả, tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, khả năng phát triển kinh tế thể thao là rất lớn, đòi hỏi các nhà quản lý phải tìm kiếm giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lực này".

Cần phát triển ngành công nghiệp thể thao

Để phát triển ngành công nghiệp thể thao, nhiều nhà quản lý, chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về kinh tế thể thao; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan, đề xuất chính sách có tính chất đòn bẩy... Cùng với đó là từng bước tạo lập và phát triển thị trường thể thao, tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm thể thao; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhiệm vụ điều phối thị trường trong phát triển kinh tế thể thao...

Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Phạm Ngọc Viễn nhấn mạnh: "Trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì cần xác định thể thao không chỉ mang tính giải trí, mà còn mang tính chất kinh doanh. Và tính chất này sẽ ngày càng tăng cùng nhu cầu xã hội cũng như cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ kinh doanh thể thao. Hoạt động thể thao cần được đặt trên nền tảng kinh tế thị trường. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội kinh doanh từ các sự kiện thể thao quốc tế (SEA Games, ASIAD, AFF Cup, AFC Cup...), khai thác nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ thể dục thể thao. Trong đó, đầu tư nhà nước cần đi trước với sứ mệnh là "bà đỡ", hỗ trợ cho đến khi tạo ra được sự quan tâm đầu tư kinh doanh của tư nhân".

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân cho rằng cần cụ thể hóa hơn nữa chủ trương phát triển kinh tế thể thao, tương tự như với chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm tổ chức hoạt động kinh tế thể thao, góp phần nâng cao nhận thức, cung cấp tri thức, phát huy sáng kiến, sự năng động từ cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh thể thao; xác định quy mô, phạm vi tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp - yếu tố cốt lõi cho sự phát triển thị trường thể thao...

Còn rất nhiều điều cần nghiên cứu để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế thể thao, nhưng trước tiên cần điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng lĩnh vực này ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, không thể không chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực thể thao và dịch vụ thể thao, hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan nhà nước tham gia vào công tác quản lý kinh tế thể thao. Đặc biệt, phải tính đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp thể thao một cách cụ thể, rõ ràng, có lộ trình, bước đi phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng còn bỏ ngỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.