Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019: Động lực hướng đến tương lai

Minh An| 13/12/2019 08:34

(HNM) - SEA Games 30-2019 vừa khép lại với những thành công vang dội của thể thao Việt Nam. Song, cũng có không ít môn không hoàn thành chỉ tiêu, từ đó đặt ra vấn đề cần xây dựng lực lượng trong tương lai như thế nào để mang lại thành công hơn nữa.

Điểm nhấn và những nốt trầm

Trên bảng tổng sắp xếp hạng toàn đoàn, Đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ hai với 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc, 105 Huy chương đồng, sau đoàn nước chủ nhà Philippines (xếp thứ ba là Thái Lan). Đó là thứ hạng ngoài mong đợi của Đoàn thể thao Việt Nam.

Niềm vui chiến thắng của các tuyển thủ U22 Việt Nam sau khi giành Huy chương vàng tại SEA Games 30. Ảnh: Nam Khánh

Với những điều kiện thực tế đặt ra, ban đầu, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành 60-65 Huy chương vàng, giành vị trí thứ ba toàn đoàn, nhưng thành tích thực tế đã vượt chỉ tiêu đề ra. Thành công của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 càng có ý nghĩa hơn, khi đội tuyển bóng đá nam U22 giành ngôi vô địch, chấm dứt 60 năm khắc khoải chờ đợi tấm Huy chương vàng SEA Games của môn bóng đá. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của "tinh thần Việt Nam, tinh thần chiến đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ" như nhận định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019 Trần Đức Phấn đánh giá: "SEA Games 30 ghi dấu ấn mạnh mẽ của những môn thi đấu tập thể. Tấm Huy chương vàng của cả đội bóng đá nam và nữ là điều chưa từng đạt được, kể từ khi thể thao Việt Nam tham dự đấu trường SEA Games. Rồi tấm Huy chương đồng của đội tuyển bóng rổ nam ở sân đấu 5 người và 3 người cũng đặt cột mốc lịch sử cho bóng rổ Việt Nam ở sân chơi SEA Games...".

Trong thành công của Đoàn thể thao Việt Nam không thể không nhắc tới những môn cá nhân như điền kinh, bơi, vật, bóng bàn, bắn cung, thể dục dụng cụ nam, cử tạ, đấu kiếm, karatedo, taekwondo - những môn thi đấu tại Olympic. Trong số này, điền kinh giành tới 16 Huy chương vàng để tiếp tục khẳng định ngôi vị số một Đông Nam Á. Đội tuyển bơi cũng giành 11 Huy chương vàng, với sự tỏa sáng của các kình ngư nam bên cạnh trụ cột Nguyễn Thị Ánh Viên trong khi đội tuyển vật cũng sở hữu 12 Huy chương vàng. Và những ẩn số trước SEA Games 30 theo nhận định của các chuyên gia, các nhà quản lý thể thao, đã thành công ngoài mong đợi, đóng góp đáng kể vào hành trình giành ngôi nhì toàn đoàn của Đoàn thể thao Việt Nam như võ kurash (7 Huy chương vàng), võ gậy (4 Huy chương vàng), kickboxing (4 Huy chương vàng)... Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục Thể dục - Thể thao Nguyễn Hồng Minh, các môn cá nhân vẫn sẽ là mũi nhọn của thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế tới.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công đó, vẫn có những "cấn cá" về thành tích của nhiều môn từng được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Bắn súng có nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh trong đội hình, nhưng lại không thể giành được tấm Huy chương vàng nào. Tất nhiên, có lý do khách quan khi nhiều nội dung thế mạnh của bắn súng Việt Nam, nhất là súng trường đã không có trong chương trình thi đấu SEA Games 30. Hay các kỳ thủ cờ vua Việt Nam như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn… cũng không một lần lên ngôi vô địch...

Phát huy tinh thần SEA Games 30

Xét cho cùng, thành công hay không thành công ở kỳ đại hội này cũng chỉ là cái ngọn của cả một quá trình chuẩn bị dài hơi. Câu chuyện của đội tuyển bóng đá U22 nam là minh chứng rõ nhất.

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà U22 Việt Nam lên ngôi Vô địch SEA Games 30. Đó là cả một quá trình chuẩn bị bền bỉ, khoa học trong nhiều tháng của huấn luyện viên Park Hang-seo cùng các cộng sự, cộng hưởng với sự chăm chút cho công tác đào tạo trẻ của các câu lạc bộ chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo bóng đá trong cả nước để mang đến nguồn cầu thủ chất lượng cho đội tuyển. Còn theo ông Dương Đức Thủy (đội điền kinh Việt Nam), điền kinh Việt Nam xuất hiện nhiều nhân tố trẻ giành ngôi Vô địch SEA Games 30 cũng bắt nguồn từ sự đầu tư cho những tuyến trẻ của các trung tâm đào tạo trong cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động đầu tư cho vận động viên bên cạnh nguồn kinh phí của Tổng cục Thể dục - Thể thao.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019 cho biết, sẽ có những đánh giá, xem xét nghiêm túc về quá trình chuẩn bị và thi đấu tại SEA Games 30, để rút ra bài học cần thiết cho những kỳ thi đấu quốc tế về sau.

Trên cương vị tư lệnh ngành Thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, thể thao Việt Nam cần phải phát huy tinh thần của SEA Games 30 để mang về nhiều chiến công, làm nức lòng người hâm mộ cả nước hơn nữa; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, tuyển chọn tài năng. Còn ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ vận động viên trọng điểm ở những môn trong chương trình thi đấu Olympic, nhưng ít có khả năng xã hội hóa. 

Ông Đới Đăng Hỷ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam nhận định, bên cạnh xây dựng lực lượng kế cận, bảo đảm lớp lang cũng như đầu tư mạnh cho những vận động viên trọng điểm, thì ngay ở địa phương cần thúc đẩy xã hội hóa trong việc hỗ trợ vận động viên, huấn luyện viên để họ chuyên tâm tập luyện. 

Những việc làm trên là hết sức cần thiết, khi thể thao Việt Nam đang hướng đến những mục tiêu lớn như tiếp tục giành vé dự Olympic 2020 và có vận động viên giành huy chương ở đấu trường này; đặc biệt, tổ chức thành công SEA Games 31-2021 tại Việt Nam…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019: Động lực hướng đến tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.