Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp cận thực tế theo hướng hiện đại

ANHTHU| 19/03/2007 08:55

(HNM) - Vài năm gần đây, Hãng phim Tài liệu – Khoa học TƯ luôn đứng trước thay đổi về nhân sự. Sau sự rút lui của những “đa đề” trong “làng”, giám đốc mới làm chưa lâu lại đổi sang vị trí khác.

(HNM) - Vài năm gần đây, Hãng phim Tài liệu – Khoa học TƯ luôn đứng trước thay đổi về nhân sự. Sau sự rút lui của những “đa đề” trong “làng”, giám đốc mới làm chưa lâu lại đổi sang vị trí khác.

Đội ngũ làm nghề ít được bổ sung: sinh viên điện ảnh ra trường thường chọn truyền hình hoặc các hãng phim truyện, kiếm được người tâm đắc với thể loại tài liệu, khoa học chả dễ. Những cái khó đó đặt bộ máy quản lý mới trước những lựa chọn hoặc “ngắn” hoặc “dài” để vừa duy trì truyền thống, vừa thích ứng với thời đại mới. Kết quả của năm sản xuất 2006 thể hiện rõ điều đó.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm, hãng đã hoàn thành các phim đặt hàng: “Từ Đại hội đến Đại hội” 3 tập về Đại hội X của Đảng, “APEC Việt Nam 2006”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của Quảng Bình”. Cạnh đó là băng hình phục vụ 60 năm Quốc hội, kỉ niệm ngày sinh các đồng chí Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, đóng góp vào dự án giáo dục tiểu học. Đây cũng là dịp nhiều nghìn thước phim tư liệu được quay “làm lương khô” cho sau này... Do có nhiều biện pháp quảng bá, phim của hãng liên tục được chiếu ở TT Chiếu phim QG, trên truyền hình, trong quân đội, trên các chuyến bay quốc tế của hàng không Việt Nam.

Còn “phần cứng” của năm sản xuất thì sao? Phim tài liệu – khoa học đang đứng trước những đòi hỏi rất nóng. Thời đại liên tục biến đổi, phải bám sát thực tiễn để phản ánh, đem lại cách thể hiện mới nhưng lại không sa vào vụn vặt, quá thời sự kiểu báo chí. Không đứng ngoài lề cuộc sống, có cách nhìn nhận và đánh giá riêng bằng cảm xúc và trí tuệ, người làm nghề đã “xông vào” những sự kiện tiêu biểu. “Người Ơ Đu ở Tương Dương” – KB & ĐD Lê Văn Long, cảnh báo thực trạng một dân tộc trong cộng đồng Việt đang mất đi. “Không chỉ là thương hiệu” – KB Thái Hòa, ĐD Nguyễn Thước nói về việc hình thành một “khái niệm – giá trị” mới, con đường phía trước còn rất dài. “Quyền được đi học” – KB & ĐD Phan Huyền Thư đề cập đến thực trạng giáo dục, những hình thức khác nhau của người dân để duy trì quyền được học. Phim đặt ra những vấn đề liên quan đến đông đảo công dân, nhưng ôm đồm, và có lẽ cũng lại vừa... ngập ngừng, thành thử gửi gắm nhiều mà không tới nơi.

“Khoảng cách”, KB Đào Thanh Tùng, ĐD Trần Phi phản ánh vụ “quan ăn đất” ở Đồ Sơn. Nghĩa là rất nóng, động chạm nhiều, có khi nguy hiểm, chí ít cũng “tuyệt đường đi lại”. Những hình ảnh về ông Đinh Đình Phú, người dũng cảm đi kiện, về những nhà quản lý... đem lại hiệu quả rất đắt. Không dễ để thực hiện, nếu không có sự dũng cảm, tấm lòng yêu công bằng. Kể ra “Khoảng cách” còn có thể đạt hiệu quả cao hơn, nếu không bị những cái khó khi làm phim nhựa, và có lẽ, cả sự ngại ngần về khâu duyệt – làm hạn chế.

Có một đề tài động chạm đến cõi nhân bản rất sâu: “Bàn thờ của mẹ”- KB & ĐD Mạc Văn Chung. Những người mẹ ở Quảng Trị phải thờ cả con chết ở “bên này” lẫn “bên kia” chiến tuyến. Hai phim nữa đều có đối tượng về Hà Nội là “Thành phố bên sông Hồng”, ĐD Nguyễn NhưVũ, và “Tìm lại dấu vết một kinh thành”, ĐD Phạm Bình, KB cùng của Phan Thanh Tú.

Thể loại phim khoa học dần dà tiếp cận với tài liệu hơn. Có vẻ là như vậy, vì bên cạnh việc giới thiệu, kể, tả, đã xuất hiện chủ quan tác giả. “Cá sấu ở Việt Nam”, KB Nguyễn Vũ Đức, ĐD Bùi Lưu Khanh - phân loại các “chủng”, hướng dẫn cách nuôi, khai thác loài động vật có giá trị kinh tế cao. Nhưng đến “Nỗi niềm dòng sông” - KB Mạc Văn Chung, ĐD Hoàng Ngọc Dũng đã đưa ra lời cảnh cáo về tình trạng ô nhiễm các dòng sông Nhuệ, Đáy, Cầu và Đồng Nai - Thị Vải; nghĩa là động đến cái sự rất bức xúc trong lòng người.

Về mặt nghệ thuật, xu hướng hiện đại, phù hợp với cái thế giới đang phổ biến dù ở ta còn là chập chững đang được quan tâm. Một mong muốn đang rất được những người làm nghề ở Hãng phim TL – KH TƯ vươn tới là làm thế nàođem lại cái mới cho người xem. Không cứ “một điệu” tuyên truyền đơn giản, không muốn áp đặt định kiến, những “Khoảng cách”, “Mỹ Sơn miền di sản”, “Biển lặng”... để lại những “khoảng mở” cho người xem tự “giải quyết”. Có thể cùng sự kiện mà nhiều cách nhìn được phản ánh. Có thể gây cảm giác về một kết cấu không chặt (?). Có thể nêu ra rồi bỏ lửng... Có lẽ vì vậy mà năm 2006 xuất hiện nhiều phim đạo diễn làm lấy kịch bản của mình, vai trò tác giả rõ hơn. Đây là một hướng đi hiện đại và tất yếu, nhưng chưa chắc đã “hạp mắt” những ai quen xem theo kiểu cũ, nghĩa là “mâm bát” đã bày biện đủ cả rồi, không còn phải “xuống bếp cùng nấu nướng” gì nữa. “Mạch” phim khó nắm hơn cũng có nghĩa là duyệt khó hơn chăng?

Hoàng Định

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận thực tế theo hướng hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.