Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc Việt - Chênh vênh trong nghịch lý - Bài 2: Có đến lúc cập bến?

An Nhi| 02/09/2013 05:52

(HNM) - Ít ngày qua, nhiều người có trách nhiệm tỏ ra lạc quan khi tiên liệu rằng, nhân sự

Những người lèo lái nhạc Việt

Nếu ví nhạc Việt như một con tàu thì hiện nó có quá nhiều người lèo lái nhưng lại không có thuyền trưởng. Bởi thế, ai mạnh người đó sẽ lái được. Và phải khẳng định rằng, "kẻ mạnh" ở đây lại không hẳn đã có chuyên môn cao về âm nhạc. Nên nói hơi quá rằng âm nhạc Việt đang bị hoành hành bởi thứ nhạc "chợ", nhạc giải trí tầm thường.

Sao Mai 2013, một trong số ít chương trình ca nhạc có chất lượng trên truyền hình nhưng cũng đã bị đẩy khỏi kênh VTV3.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng buột miệng thương cho khán giả Việt Nam bây giờ vì họ có quá ít cơ hội được thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa, chuẩn mực và có giá trị thật sự, thư giãn, sảng khoái, kích thích tư duy, sáng tạo… Một thực tế khá rõ, nếu như cuộc sống hằng ngày, hằng giờ, công chúng được tiếp cận với thứ âm nhạc nào thì họ sẽ hình thành tính cách và khả năng thưởng thức theo hướng đó. Một thực tế còn đau lòng hơn là những người có khả năng, có chuyên môn muốn hướng dẫn, dành cho công chúng thưởng thức những tác phẩm có chất lượng, thẩm mỹ cao lại không có quyền lực hay cơ hội. Và một dự cảm nguy cơ cao, cứ đà này, công chúng Việt Nam vĩnh viễn không bao giờ tìm đến nhạc Mozart, Beethoven hay kho tàng nhạc dân gian, nhạc cách mạng...

Khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa cất lời nhận định, phần nhiều là chê về giọng hát của các ca sĩ hạng "sao" thì lập tức bị phản đối từ chính người đó. Điều tối thiểu trong hoạt động âm nhạc là sự ghi nhận, tiếp thu nhận xét và ứng xử kính trọng với người đi trước mà ca sĩ hạng "sao" lại không có thì khán giả của họ, những người thần tượng họ sẽ đi về đâu? Sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của những người làm âm nhạc cũng đẩy con tàu này chệch hướng đi. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định cơn "chấn động" làng giải trí những ngày này có nguyên nhân là bởi âm nhạc Việt Nam lâu nay thiếu sự phê bình thẳng thắn từ những người có chuyên môn âm nhạc. Nhiều khi vì sự cả nể, nhiều khi vì ngại va chạm mà những lời phê bình, nhận định chỉ toàn lời khen, hoặc chê chung chung, vô thưởng vô phạt. Giới hoạt động trong nghề cũng sống trong danh vọng ảo và khán giả cũng chấp nhận những giá trị ảo.

Nhạc sĩ Dương Thụ cũng từng buông một câu buồn: "Ở Việt Nam, những chương trình hòa nhạc đỉnh cao, đầu tư nghiêm túc đến được với khán giả thì chỉ có "đại gia" kiểu như Hennessy, Toyota… tài trợ. Còn chúng tôi, những người làm nghề thì chịu, không có khả năng "ôm" hàng chục, hàng trăm nghệ sĩ đi biểu diễn hết nơi này đến nơi kia phục vụ công chúng". Một điều không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng âm nhạc Việt Nam đang bị chi phối bởi đồng tiền. Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ rằng, thuyết phục được những người có tiền đầu tư cho những lao động âm nhạc nghiêm túc cực kỳ gian nan. Nhưng nếu ông mời những ca sĩ có nhiều fan mà chất lượng giọng ca hạng xoàng thì nhận được cái "gật đầu" ngay.

Một vấn đề cũng nhức nhối lâu nay mà không phải ai cũng muốn nói ra là truyền thông đang ưu ái, thậm chí dung túng cho âm nhạc thị trường, kém tính nghệ thuật. Trên các trang báo văn hóa - nghệ thuật, chỗ vinh danh những nghệ sĩ, tác phẩm âm nhạc chất lượng chỉ lác đác bài vở, trong khi những gì âm nhạc thị trường, xô bồ lại chiếm tỷ trọng áp đảo. Trên truyền hình tình thế còn đáng suy nghĩ hơn. Các kênh được nhiều người biết đến như VTV3, VTV6, vào những giờ "vàng", những thời điểm đo được lượng khán giả theo dõi đông nhất đều là chương trình truyền hình thực tế, mua bản quyền nước ngoài. Nhà báo Lại Văn Sâm có lần phải thú thật là đang "thua" ngay trên sân nhà, khi mà những chương trình ca nhạc, truyền hình thương hiệu của nhà đài dần nhường chỗ cho chương trình mua bản quyền nước ngoài. Chỉ trong âm nhạc, vài năm gần đây, những chương trình khá chất lượng như "Sao Mai", "Sao Mai Điểm hẹn", "Bài hát Việt" đã bị "đẩy" sang nhiều giờ không "hot", nhiều kênh không phổ biến. Còn thực tế, thường trong khoảng hơn 2 giờ "vàng" phát sóng của một chương trình âm nhạc ăn khách mua bản quyền nước ngoài, khán giả được thưởng thức âm nhạc chất lượng thì ít, nghe tung hô và xem quảng cáo thì nhiều. Và tỉnh táo ra, nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng âm nhạc Việt đang làm thương mại nhiều hơn làm nghệ thuật?

Chờ ngày âm nhạc đích thực cập bến

Không ai cắt nghĩa cụ thể đâu là âm nhạc đích thực, chân chính hay chuẩn mực. Nhưng những người chuyên môn và khán giả tỉnh táo một chút đủ sức nhận ra giá trị thật của một ca khúc hay một tác phẩm âm nhạc hay hay dở. Mong muốn, trăn trở làm sao để âm nhạc ấy đến được công chúng có trong nhiều người. Nhưng khả năng hành động của họ đến đâu?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có ý kiến rằng, đáng lẽ hội nghề nghiệp, nơi quy tụ những người có chuyên môn cao về nghệ thuật phải là đơn vị được giao trọng trách quản lý, định hướng, phổ biến thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng. Nhưng thực tế các hội nghề nghiệp có vai trò cổ vũ nhiều hơn can thiệp, còn phần thẩm định, được phép phổ biến những gì nằm trong tay cơ quan quản lý, nên quá khó để "cha đẻ" của những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao điều chỉnh được gì. Trong nhiều lần họp Quốc hội, ông cũng từng đề xuất, nước ta cần có Luật Âm nhạc, quy định cụ thể hành lang hoạt động âm nhạc và có tính định hướng, chiến lược cho việc phát triển âm nhạc Việt Nam. Căn cứ đó đủ để những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và những người quản lý có thể lèo lái con tàu âm nhạc Việt Nam đi đúng hướng và phát huy vai trò của những người có chuyên môn nghệ thuật. Nhưng đến nay vẫn chỉ là đề xuất (?!).

Đơn giản hơn, nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ, ông và nhiều người làm nghệ thuật chỉ có mong mỏi người tài trợ cho mình chuyên tâm cống hiến, dành hết tâm sức cho nghề, chắc chắn khán giả Việt Nam sẽ nâng cao được thẩm mỹ âm nhạc. Bởi không phải nhạc Việt Nam không hay, nghệ sĩ Việt Nam không có người tài, mà do khán giả Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với những tác phẩm ấy.

Có ý kiến cũng đáng để cân nhắc trong việc phổ biến âm nhạc đến công chúng qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình - thứ thân thuộc trong từng "bữa ăn, giấc ngủ" của người Việt. Nên chăng các chương trình truyền hình thực tế, đơn thuần âm nhạc giải trí chuyển sang phát sóng vào những giờ bình thường hoặc truyền hình trả tiền. Khi không thuận tiện hoặc khi phải trả tiền, đương nhiên người xem, nghe sẽ cân nhắc hơn để theo dõi. Còn các kênh truyền hình miễn phí chính thống, dành giờ "vàng" phát sóng cho các chương trình được thẩm định, đánh giá có chất lượng, thẩm mỹ cao, để tự nghệ thuật đích thực có cơ hội chinh phục khán giả.

Trở lại chuyện về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, không bàn xem ông nhận xét về từng ca sĩ, nghệ sĩ đúng hay sai, nhưng dự cảm của ông rằng "Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này", được sự đồng tình của nhiều người. Song hy vọng thế chưa đủ, phải có sự vận động từ ngay bây giờ thì âm nhạc đích thực mới cập được bến!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc Việt - Chênh vênh trong nghịch lý - Bài 2: Có đến lúc cập bến?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.