Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện nhiều dấu tích xây dựng thời Lý tại Hoàng Thành Thăng Long

Theo Hà Thảo| 11/12/2013 20:30

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2013.


Các đại biểu tham quan hố khai quật


Tại Hội thảo, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Cuộc khai quật năm 2013 đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Trong tầng văn hóa, đã bước đầu xác định các di tích, kiến trúc của các thời kỳ xuất lộ dày đặc, chồng xếp lên nhau, cắt phá và đan xen lẫn nhau vô cùng phong phú, phức tạp.

Cụ thể, thời Đại La có các dấu tích gạch Đại La xếp báo hiệu sự xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc khác. Thời Lý đã xuất hiện đường nước lớn chạy theo hướng Đông – Tây ở hố năm 2012 và bắt góc chạy lên phía Bắc hố H2 năm 2013. Đặc biệt đã làm rõ 2 dấu tích kiến trúc có 2 móng trụ đang chạy theo hướng Đông – Tây song song với một dấu tích móng tường và dấu tích sân nền lát gạch vuông thời Lý. Đây là lần đầu tiên phát hiện dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục Trung tâm. Kết quả khai quật cho thấy: Dấu tích xây dựng sân nền thời Lý bằng đất sét còn khá nguyên vẹn, được làm rất kỹ và kiên cố.

Thời Trần đã xuất hiện 3 kiến trúc có móng trụ được xây cất bằng ngói vụn, dấu tích tường bao, dấu tích bồn hoa. Đặc biệt, năm 2013 cũng tìm thấy cống nước rất lớn thời Trần có một đoạn chạy song song với đường nước thời Lý năm 2012. Dấu tích nền thời Trần được tôn thêm trên nền thời Lý.

Thời Lê Sơ đã xác định được dấu tích kiến trúc của 2 thời: Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Thời Lê Sơ, đã tìm thấy nền đất sét đắp khá kỹ ở tất cả các hố, dấu tích gạch vồ (đa số màu đỏ) ở hố 2. Thời Lê Trung Hưng đã xác định dấu tích 2 móng kiến trúc có các móng trụ kích thước rất lớn ở hố H2, bó nền, móng tường bao. Tuy nhiên, các dấu tích kiến trúc này chồng xếp khá phức tạp, cho nên chưa khẳng định chắc chắn được niên đại mà cần thêm thời gian nghiên cứu. Thời Nguyễn đã tìm thấy dấu tích móng trụ của các kiến trúc có vị trí gần trùng khớp với kiến trúc trên bản đồ thời Nguyễn (1821 - 1831).

Trong các hố khai quật tiếp tục phát lộ hệ thống di vật phong phú qua các thời kỳ lịch sử Thăng Long. Khi chỉnh lý chi tiết các di vật này đã cho biết rõ thêm về đặc trưng tính chất các kiến trúc nghệ thuật trang trí kiến trúc khu vực trục Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

Qua những đợt thăm dò khai quật vừa qua có thể thấy sự phong phú và vô cùng phức tạp của các di tích ở khu vực trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Các cuộc khai quật đã dần dần làm hé lộ không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy rõ được bố cục của kiến trúc thời Lý và thời Trần ở đây. Do vậy, các suy luận về trục Trung tâm của thời Lý và thời Trần cần tiếp tục trong thời gian tới.
Theo PGS. TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chúng ta không nên dừng lại ở kết quả thăm dò mà cần tiếp tục mở rộng thêm hố khai quật để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về khu di tích.

PGS, TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giảng viên Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, PGS, TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng: Cần phải có kế hoạch cụ thể, lâu dài, tiến tới khai quật toàn bộ khu tích. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ và các cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch lưu giữ vết tích khai quật để sau này có thể trưng bày ngoài trời. Trước mắt, chúng ta không thể làm được điều đó, nhưng về lâu, về dài, 10 năm hay 20 năm sau thì hoàn toàn có thể. Như vậy, công chúng sẽ có điều kiện tiếp cận di tích một cách trực quan, sinh động nhất.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải giới thiệu kết quả khai quật cho cộng đồng biết để họ có ý thức giữ gìn và bảo vệ di sản.

Tại buổi báo cáo kết quả thăm dò, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết: Kết quả khai quật không chỉ để nghiên cứu, mà phải có sứ mệnh quan trọng là bảo tồn và công bố rộng rãi đến quần chúng nhân dân. Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội sẽ lập kế hoạch trưng bày kết quả khai quật, chậm nhất là sau Tết Nguyên Đán, các hiện vật được khai quật từ năm 2008 đến nay sẽ được trưng bày phục vụ nhân dân./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều dấu tích xây dựng thời Lý tại Hoàng Thành Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.