Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy truyền thống từ hành động bảo vệ môi trường

Thư Ký| 29/01/2019 07:51

(HNM) - Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện lòng từ bi quý báu của người Việt Nam...

Người dân thả cá chép tại hồ Tây.


Tại Hà Nội, các điểm thu hút đông người đến thả cá để tiễn ông Công, ông Táo về Trời là các hồ nước trong khu vực nội thành như hồ Giám, hồ Ngọc Khánh, hồ Thủ Lệ, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, khu vực sông Hồng ở cầu Long Biên, cầu Chương Dương... Theo ghi nhận, đa số người dân Thủ đô chọn mua cá chép đỏ để cúng lễ ông Công, ông Táo. Điều ý nghĩa là dịp này nhiều trẻ em đã cùng người thân đi thả cá chép để hiểu hơn về một nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Vấn đề thu hút sự quan tâm là những năm gần đây, để cải thiện và giảm thiểu túi ni lông thải ra môi trường, các ngành chức năng, địa phương ở Thủ đô đã có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân hiểu về ngày Tết ông Công, ông Táo để vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, tình trạng vứt túi ni lông xuống hồ, sông đã giảm rõ rệt, nhiều người dân có ý thức cùng nhắc nhở nhau giữ sạch môi trường sông hồ. Đáng kể là Tết ông Công, ông Táo năm nay, tại các điểm thả cá ở sông, hồ trên địa bàn Thủ đô, nhiều người dân đã không sử dụng túi ni lông mà thay vào đó là đựng cá chép trong hộp nhựa mang đi thả. Đặc biệt hơn là có nhiều nhóm tình nguyện là các bạn trẻ túc trực tại các điểm như cầu Long Biên, hồ Tây... để giúp người dân thả cá, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới chiều ngày 28-1 tại cầu Long Biên, với những khẩu hiệu ý nghĩa, thiết thực: "Đừng để ông Táo mang rác lên chầu"; "Thả cá đừng thả túi ni lông"..., hàng chục thành viên của nhóm tình nguyện trẻ trong Hội Thắp lửa trái tim đã đứng dọc 2 bên cầu tuyên truyền, giúp người dân thả cá chép, thu dọn rác, vàng mã... Nguyễn Minh Châu (19 tuổi), một thành viên trong nhóm, cho biết: “Hội đã dùng thùng sơn, buộc dây và thả cá xuống sông. Các thành viên còn thu gom vàng mã, tro,... tập kết lại và xử lý để giảm thiểu ô nhiễm cho sông Hồng”. Hành động kể trên của các bạn trẻ đã được người dân đến thả cá ở cầu Long Biên ủng hộ nhiệt tình.

Bà Tống Thị Làm (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) mang ra hồ Tây phóng sinh gần 20kg cá chép, cá trê, cho biết: "Tôi thấy mỗi điểm thả cá ở hồ Tây có 3-4 người hướng dẫn. Ở đây, người dân đều thả cá rất văn hóa, thả nhẹ nhàng rồi bỏ túi ni lông vào thùng rác. Bằng những hành động nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa, việc thả cá chép đưa tiễn ông Công, ông Táo về Trời không còn là hình ảnh xấu như nhiều năm trước. Không còn sự vội vã, tất bật, năm nay những người dân đến đây đều hy vọng và mong ước một năm mới an lành, tốt đẹp hơn qua việc thả cá chép".

Mặc dù ý thức bảo vệ môi trường trong việc thả cá chép dịp Tết ông Công, ông Táo đã có chuyển biến đáng kể nhưng ở một số nơi, việc người dân xả rác ra nơi công cộng, nhất là các sông, hồ vẫn xảy ra; thói quen đổ tro hóa mã, hóa chân hương xuống hồ nước vẫn còn... Hy vọng, những hành động, việc làm chưa đúng, chưa đẹp, đi ngược với truyền thống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội còn ở đâu đó sẽ sớm được khắc phục, để ý nghĩa tốt đẹp ngày Tết ông Công, ông Táo tiếp tục được nhân lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống từ hành động bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.