Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài ca ngát xanh về một thời bom đạn

Yên Nga| 17/03/2019 07:06

(HNM) - Vở kịch “Đôi mắt” của tác giả Vũ Dũng Minh là tác phẩm nổi tiếng về đề tài chiến tranh cách mạng, đã từng được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn hơn nửa thế kỷ qua.

Một cảnh trong vở kịch “Đôi mắt” của tác giả Vũ Dũng Minh. Ảnh: Thụy Du


Tác giả Vũ Dũng Minh là bác sĩ quân y yêu viết lách, đã từng tham gia kháng chiến trên tuyến đường Trường Sơn. Vì vậy, ông viết hay và cảm động về hình ảnh những người thầy thuốc quên mình giành giật sự sống cho những thương binh ngay tại chiến trường. Vở kịch “Đôi mắt” lấy bối cảnh duy nhất ở một trạm quân y giữa núi rừng Trường Sơn bốn bề bom đạn. Sau mỗi trận chiến đấu, những chiến sĩ bị thương được chuyển về đây chữa trị, phục hồi. Trong đó có Việt, chiến sĩ pháo cao xạ bị thương đôi mắt vì bom. Tình cờ, trạm quân y anh được chuyển đến lại chính là nơi bác sĩ Nga - cô gái cùng quê, người mà anh yêu thương, đang công tác. Tuy nhiên, vì bảo đảm việc chữa trị thành công, bác sĩ điều trị chính cho anh là Hải yêu cầu giấu sự có mặt của bác sĩ Nga. Đối mặt với nhiều ngăn trở, thậm chí cả dị nghị về tình cảm riêng tư với bác sĩ Nga, nhưng bác sĩ Hải vẫn dồn hết tâm sức, tài năng chữa lành đôi mắt cho thương binh Việt, để anh tiếp tục vào chiến trường, đem theo tình yêu của Nga và tình cảm của các y, bác sĩ. Vở kịch là một bản anh hùng ca cách mạng, ở đó có mất mát, đau thương, nhưng tình yêu thương, lòng vị tha, ý chí quyết tâm và chung sức, chung lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã đưa mọi người vượt qua tất cả.

Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải chia sẻ, vở kịch này đã được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Nhưng Nhà hát Kịch Hà Nội và đạo diễn vẫn muốn dựng lại tác phẩm để khán giả hôm nay hiểu về quá khứ, hiểu về tình nghĩa và cách ứng xử của cha anh trong thời chiến. Vì vậy, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải đã rút gọn vở diễn, biên tập lời thoại và một số chi tiết để phù hợp với thị hiếu ngày nay. Dù là đề tài chiến tranh, nhưng ê kíp sáng tạo xác định không dựng theo hướng bi thương, khốc liệt mà thiên về khai thác tình đời, tình người, tình yêu nơi trận tuyến. Đặc biệt, đạo diễn đưa nhiều bài hát, thơ văn kháng chiến vào trong vở diễn, lời thoại cũng giàu hình ảnh, chất thơ nên dễ đi vào lòng khán giả.

Ở vở kịch, người xem có lúc bật cười trước những tình huống và câu thoại của nhân vật "Thọ lắp" thật thà, thương binh Thành vui tính, nhưng cũng rưng rưng trước tình cảm, sự hy sinh thầm lặng và nỗ lực không ngừng của các y, bác sĩ. Như bác sĩ Hải, chỉ được nghe kể về thương binh Việt là người ngày ngày băng qua những ngọn đồi, gánh nước tưới cho những khóm hoa hồng đơm bông trên trận địa, đã tâm niệm bằng mọi cách cứu lấy tâm hồn đẹp đẽ ấy. Như cô y tá Chim Sơn Ca sẵn sàng là người kết nối, truyền lời động viên của người yêu và đồng đội tới thương binh Việt. Các diễn viên tham gia vở kịch đều là gương mặt quen thuộc với khán giả sân khấu và truyền hình, như Nghệ sĩ ưu tú Đức Quang, Tiến Lộc, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Thanh Tùng, Thùy Anh, Mạnh Hưng…

Điểm xuất sắc của vở kịch này còn là phần thiết kế sân khấu. Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng đã tạo nên một sân khấu 3D với phông hình con mắt lớn trong vắt, phía sau là khung cảnh Trường Sơn xanh tươi cây cối. Khán giả sẽ ấn tượng với phân đoạn Chim Sơn Ca hát cho Việt nghe bài “Những cô gái trên quê hương quan họ”. Qua phần diễn xuất tái hiện phía sau con mắt lớn trên sân khấu, người xem hiểu rằng Việt đang mường tượng về anh và Nga trong ngày hội làng, dù anh bị băng kín mắt.

Vở diễn về đề tài chiến tranh, dài gần 2 giờ, tại một trạm quân y không nghe thấy tiếng bom đạn nhưng người xem vẫn cảm nhận được đầy đủ không khí khẩn trương, quyết liệt, tinh thần sục sôi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. “Đôi mắt” thêm một lần nữa khẳng định thế mạnh sân khấu chính kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài ca ngát xanh về một thời bom đạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.