Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng phong cách ứng xử, văn hóa của người Hà Nội trong thời kỳ hội nhập

Miên Hạo| 03/06/2019 16:18

(HNMO) - Ngày 3-6, tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.


Hội thảo thu hút hơn 10 bản tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý và hoạt động thực tiễn trải rộng trên nhiều mặt của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tiêu biểu như các chủ đề: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong thời hội nhập; xây dựng và phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; văn hóa Hà Nội sau 10 năm mở rộng và định hướng phát triển đến năm 2030; giao thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống người Hà Nội…

Các tham luận tập trung phân tích chủ thể văn hóa, con người và môi trường văn hóa của Thủ đô Hà Nội; những tác động khách quan, chủ quan đã và đang ảnh hưởng tích cực, tiêu cực tới các chủ thể, đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị xây dựng con người văn minh gắn với thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; con người thanh lịch với đặc trưng nổi trội của người Hà Nội qua hội tụ, kết tinh và lan tỏa.

Một số ý kiến đề xuất: Chọn giải pháp đột phá là văn hóa nêu gương, gắn trách nhiệm với người đứng đầu; có chế tài xử lý mạnh đối với những vi phạm từ công sở tới ngoài xã hội; có chiến lược đầu tư cho đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…

Theo Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội Phan Đăng Long, để phát huy hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của cộng đồng; tăng cường phổ biến tuyên truyền về mục tiêu xây dựng con người mới, văn hóa ứng xử thông qua các phong trào văn hóa, dần hình thành nên phong cách ứng xử văn hóa của người dân Hà Nội trong giai đoạn mới. Việc phổ biến, phát động phong trào cần được thực hiện một cách thực chất, tránh chung chung, hình thức…

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, cần đề cao văn hóa ứng xử của người đứng đầu, người lãnh đạo với vai trò nêu gương, chọn nhiệm vụ này là khâu đột phá trong tổ chức con người văn hóa, môi trường văn hóa trong giai đoạn mới với phương châm thanh lịch, văn hóa không chỉ ở lời nói mà cần đi liền với hành động, việc làm.

Bênh cạnh đó, tăng cường chế tài xử phạt với những vi phạm cụ thể, góp phần định hình, lan tỏa văn hóa ứng xử phù hợp. Có thể chọn ra một số nội dung cụ thể trong quy tắc ứng xử để phát động phong trào thi đua theo quý, theo năm, như: Ngăn chặn, đẩy lùi tệ xả rác bừa bãi; phong trào đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Đồng chí cũng khẳng định, việc phát triển văn hóa là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội, với mục tiêu đưa văn hóa trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng phong cách ứng xử, văn hóa của người Hà Nội trong thời kỳ hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.