Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Câu chuyện về nhận thức và ý thức

Nhóm phóng viên| 03/08/2019 07:19

(HNM) - Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, lan tỏa văn hóa ứng xử đến mọi tầng lớp nhân dân. Chuyển động bước đầu hết sức tích cực, nhưng để được như kỳ vọng, vẫn cần những giải pháp căn cơ cho câu chuyện về nhận thức và ý thức.

Vẫn còn cán bộ thiếu tinh thần phục vụ

Giống với câu chuyện “kiến nghị ba năm chưa được giải quyết” của gia đình ông Nguyễn Văn Hậu mà Báo Hànộimới đã đề cập ở bài trước (số ra ngày 2-8), trên địa bàn Hà Nội, còn không ít trường hợp tương tự, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, là nguồn cơn cho những bức xúc, kéo theo nhiều hệ lụy.

Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Việt Hưng, quận Long Biên trao giấy khai sinh tận nhà cho người dân trên địa bàn phường. Ảnh: Viết Thành

Ngày 2-4-2019, chị Nguyễn Thị Hòa ở phường Mộ Lao và chị Nguyễn Thị Vân ở phường Phú La (quận Hà Đông) đăng ký trực tuyến tại bộ phận “một cửa” của Sở Y tế Hà Nội để được cấp giấy chứng nhận hành nghề y. Sau 3 ngày, hệ thống xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đề nghị chờ kết quả. Chờ mãi không thấy thông tin gì, đến cuối tháng 6-2019, chị Hòa và chị Vân đã đến Sở Y tế Hà Nội hỏi thì mới biết, giấy chứng nhận hành nghề y của hai chị đã được ký duyệt từ ngày 8-4, trước đó gần 3 tháng. Chị Hòa bức xúc: “Theo quy định, việc cấp giấy chứng nhận hành nghề y có thời hạn giải quyết là 10 ngày, nếu không có vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Bộ phận tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả cho công dân. Vậy nhưng, chẳng hiểu sao họ lại “bỏ quên” trách nhiệm của mình. Phải chăng đó là sự vô cảm, thiếu tinh thần phục vụ?”.

Trước đó, chỉ trong một buổi sáng, anh Nguyễn Đức Long (phường Quang Trung) phải chạy đi, chạy lại tới 4 lần để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký xe máy tại Công an quận Hà Đông, mà vẫn không xong. Anh Long cho biết: “Mặc dù đã khai đầy đủ thông tin cá nhân ghi trên căn cước công dân, thế nhưng mỗi lúc, Công an quận Hà Đông lại bảo thiếu thông tin trên một loại giấy tờ khác nhau, yêu cầu tôi bổ sung. Sang đến buổi chiều, giấy tờ tiếp tục bị trả lại, khiến tôi rất mệt mỏi. Tại sao không hướng dẫn luôn một lần để người dân không mất công, mất việc?”.

Cũng năm lần, bảy lượt bổ sung giấy tờ cho thủ tục cấp lại giấy khai sinh, anh Nguyễn Phúc Tiến (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) than thở: “Gần tháng nay, mỗi lúc nhân viên bộ phận “một cửa” UBND xã Cổ Đông yêu cầu một loại giấy tờ, từ giấy chứng tử của bố, chứng minh thư của mẹ, sổ hộ khẩu… Gần đây nhất (ngày 10-7), tôi đến UBND xã hỏi, cán bộ ở đây bảo thủ tục đã xong, nhưng đã hết mẫu bản chính giấy khai sinh, nên phải chờ tiếp”.  

Những câu chuyện như trên đã được người dân phản ánh tại nhiều hội nghị, diễn đàn. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, trước kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV ngày 17-6, ông Nguyễn Ngọc Đồng (chung cư B1, Khu đô thị Nam Trung Yên) bày tỏ: Nhiều năm nay, người dân bức bối trước tình trạng phương tiện giao thông dừng đỗ lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại Khu đô thị Nam Trung Yên. Dù chúng tôi đã liên tục kiến nghị với các cơ quan chức năng, song tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Một trường hợp khác là thang máy chung cư bị hỏng kéo dài, khiến đời sống người dân bị đảo lộn, nhưng cũng phải mất gần 7 tháng “kêu cứu”, đơn vị có trách nhiệm mới vào cuộc.

Cũng về việc chậm giải quyết những đề xuất từ cơ sở, ông Phạm Văn Minh (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Cắm biển cấm dừng, đỗ là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo đảm trật tự giao thông. Tuy nhiên, có trường hợp, từ thời điểm đề xuất đến khi thực thi, mất tới 3 năm… Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và tinh thần làm việc của cán bộ phụ trách trong những trường hợp này đến đâu?” - Ông Minh đặt câu hỏi.

Và những nguy cơ tiềm ẩn...

Với những quy định mới, nhất là việc “Chứng thực không phụ thuộc vào nơi cư trú của người có yêu cầu”, thời gian giải quyết được rút ngắn, Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã góp phần không nhỏ trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong vai người dân đi làm thủ tục chứng thực, phóng viên Báo Hànộimới đã đến nhiều điểm giao dịch “một cửa” của các xã, phường và nhận thấy một tình trạng khá phổ biến là nhân viên chứng thực không trả biên lai cho người chứng thực. Cụ thể, sáng 25-6, tại bộ phận “một cửa” UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa), sau khi trả kết quả và thu tiền, nhân viên không đưa biên lai cho khách. Cùng ngày, tại bộ phận "một cửa" các phường: Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm)…, cũng có tình trạng nêu trên. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) vào chiều 10-7. Điều đáng nói, cả 3 lần thực hiện thủ tục chứng thực tại bộ phận "một cửa" của phường Nam Đồng (quận Đống Đa) vào các ngày 11, 12, 22-7, dù lãnh đạo UBND phường có mặt tại đây, quy định về trả biên lai vẫn không được thực hiện.

Một thực tế khác, dù lệ phí chứng thực đã được niêm yết công khai, song ở không ít nơi, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra. Ngày 25-6, tại phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), người trả kết quả thu tiền chứng thực giấy khai sinh lấy số tiền gấp đôi so với quy định; thu tiền chứng thực sổ hộ khẩu với số trang nhiều hơn thực tế. Ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cũng có hiện tượng như vậy...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết, tình trạng ghi - thu không rõ ràng, có thể gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. “Với trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, chúng tôi đã ban hành khoảng 300 văn bản để chỉnh đốn, nhắc nhở các quận, huyện, thị xã ghi và trả biên lai thu lệ phí cũng như thường xuyên kiểm tra đột xuất, định kỳ nhằm ngăn chặn những nguy cơ trục lợi từ việc chứng thực. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị nghiêm túc chấp hành, vẫn còn những nơi phớt lờ các quy định” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao chia sẻ.

Thực tế, nhiều vụ việc cố tình “phớt lờ” quy định pháp luật ở một số nơi đã được phát hiện, xử lý thông qua các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất của thành phố và các sở, ngành, như: Không thực hiện tiếp nhận thủ tục, giấy tờ tại bộ phận “một cửa” của xã Cam Thượng, huyện Ba Vì; tiến hành chứng thực khi không đủ thủ tục, giấy tờ cần thiết ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức… Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về việc bồi đắp văn hóa công sở, tự “tách rời” khỏi nỗ lực nâng cao trách nhiệm công vụ mà thành phố đang triển khai, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển?

Đề cập đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, văn hóa công sở không thể cân đong, đo đếm mà trực tiếp hình thành từ trong nhận thức, ý thức của mỗi người, là giá trị, động lực thúc đẩy thái độ ứng xử, tinh thần làm việc ở mỗi cá nhân. Cùng với nền tảng văn hóa, giáo dục, môi trường làm việc với những chuẩn mực văn hóa và vai trò nêu gương của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa công sở.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Câu chuyện về nhận thức và ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.