Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh thức sự tử tế trong mỗi con người

Đoan Trang| 31/10/2019 09:22

(HNMCT) - Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng buồn, phản ánh ứng xử không chuẩn mực của một bộ phận người dân. Một thanh niên hành hung người phụ nữ lớn tuổi hơn mình chỉ vì bị nhắc nhở cần phải xếp hàng khi rút tiền tại cây ATM, một nữ nhân viên phụ xe buýt bị một nhóm thanh niên đánh tới mức phải nhập viện ngay giữa ban ngày...

Quán cơm An Phúc (381 đường Giải Phóng, Hà Nội) do CLB từ thiện Tâm An mở ra với mục đích giúp đỡ, chia sẻ với người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất ăn chỉ có giá 2.000 đồng.

Những vụ việc như thế khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, rằng những ứng xử như vậy có nhiều trong xã hội hiện đại không? Nó đang tồn tại ở dạng nào? Và quan trọng hơn là làm thế nào để có thể khơi dậy sự tử tế trong mỗi con người, để như một thứ thảo dược tưới mát cho tâm hồn, để người với người biết trân quý nhau, ứng xử văn hóa, văn minh hơn...

“Tử tế là...”

Năm 2014, Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội và môi trường (iSEE) đã thực hiện một dự án, đúng hơn là một cuộc vận động, có tên gọi là “Sống tử tế”. Thông qua Internet, dự án đã lập một website để trưng cầu ý kiến về khái niệm của sự tử tế với lời dẫn “Tử tế là...”. Từ đó nảy ra vô vàn định nghĩa. Có người định nghĩa sự tử tế to tát theo kiểu: Tử tế là “kính thiên, ái nhân”, thượng tôn pháp luật; là khi hành động mâu thuẫn với giá trị, với nhân phẩm của bản thân thì không làm... Có người lại theo nghĩa giản đơn, thiết thực hơn: Tử tế là sống thiện lành, không a dua, "ném đá" người khác, yêu thương chính mình và đối xử tốt với mọi người...

Cũng từ cuộc vận động này, chiến dịch “Chiếc vòng tử tế", tên gọi của 100 chiếc vòng đặc biệt trong chiến dịch được trao cho những người có uy tín trong cộng đồng như bà Tôn Nữ Thị Ninh, MC Diễm Quỳnh, ca sĩ Thái Thùy Linh... cũng được phát động. Mỗi chủ nhân của 100 chiếc vòng cam kết sẽ thực hiện một điều tử tế trong vòng 4 ngày từ ngày nhận vòng, đồng thời chia sẻ lại câu chuyện rồi chuyển giao chiếc vòng cho một người khác... Kết quả là, đã có khoảng 240 câu chuyện tốt được chia sẻ lại. Đặc biệt là sau khi đọc những câu chuyện này, người ta thấy được sự "tử tế" vẫn tồn tại, hiện hữu một cách nào đó rất đời thường và gần gũi. "Tử tế là được giúp đỡ người khác", “tử tế là giữ lời hứa”, “tử tế là giúp bạn học”, "tử tế là tận tình chỉ bảo", "tử tế là đi làm đúng giờ"...

Sự tử tế có đang dần thiếu vắng?

Vì sao một giá trị tưởng như rất tự nhiên là sống tử tế bỗng nhiên trở thành nỗi hoài nghi của dư luận xã hội? Phải chăng là bởi lối ứng xử kém tử tế đang hiện hữu và có nguy cơ lấn át cả những giá trị tốt đẹp, làm mất đi niềm tin của con người vào cuộc sống?

Có thể thấy, dường như lối ứng xử kém tử tế đang có mặt ở khắp nơi và được “khoác” trên mình nhiều hình thức khác nhau. To tát có thể kể đến vấn nạn thực phẩm bẩn lan tràn khắp nơi, công bộc sách nhiễu dân chúng, nạn chạy chức chạy quyền, tham nhũng trong một bộ phận quan chức ... "Chuyện nhỏ" là ngang nhiên vứt rác ra đường, tiểu bậy nơi công cộng hay thản nhiên vi phạm pháp luật về giao thông... Ngoài ra còn là sự vô cảm, nhẫn nhục của không ít người trước một vụ hành hung, ức hiếp người yếu thế ngay trên phố, cùng với đó là thái độ thản nhiên, không có chút phản ứng nào trước những ứng xử xấu xí nơi công cộng...

Nóng hổi trên các trang tin truyền thông là hàng loạt vụ việc gần đây như đổ trộm dầu thải vào nguồn nước, anh em chỉ vì tranh giành nhau một rẻo đất mà xuống tay giết chết nhiều người thân, rồi chồng bạo hành vợ, trò đánh thầy, thậm chí gây án mạng chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt như tranh cãi trong lớp, ghen ghét nhau...

Cội rễ sâu xa của những việc làm không tử tế đó có lẽ xuất phát từ việc một bộ phận người trong xã hội chỉ đặt lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân lên hàng đầu, từ việc thiếu tự trọng với bản thân và xã hội. Quan trọng hơn chính là ý thức của mỗi con người: Bị lấn át bởi lối suy nghĩ vị kỷ, thiếu ý thức cộng đồng; do nhận thức chưa đủ và chưa hợp lý; trong quá trình học tập, lao động, sinh hoạt đã tiếp thu lối sống thực dụng, những thói quen xấu, lối sống lệch lạc... Từ đó dẫn đến việc ngày càng có ít người cảm thấy xấu hổ khi vi phạm giao thông hay vứt rác ra đường, chen lấn khi cần phải xếp hàng, hoặc có thái độ vô cảm trước một sự bất bình xảy ra trong xã hội, thờ ơ với người già hay người khuyết tật...

Trong gia đình, người lớn chẳng hề ngần ngại làm những chuyện sặc mùi toan tính trước con trẻ, đơn giản như “chạy trường, chạy lớp", "chạy chức, chạy quyền", chưa nói tới những mánh mung vụ lợi, tham ô tham nhũng, sản xuất hoặc buôn bán hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung... Trong nhà trường, vẫn có giáo viên mặc nhiên cho mình cái quyền được hành xử trái với những gì họ vẫn hằng ngày rao giảng cho học trò mà không một chút áy náy, ngại ngùng. Căn bệnh thành tích, hám danh, gian dối điểm, bằng cấp cũng vì thế mà hiện diện khắp mọi nơi...

Đánh thức và lan tỏa sự tử tế

Nét đẹp ngày thường.

Rất may, thực trạng buồn nêu trên chỉ phản ánh nếp nghĩ, nếp sống của một bộ phận nhỏ trong xã hội, như những "con sâu làm rầu nồi canh". Trong đời sống xã hội hằng ngày, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những lòng tốt, những tinh thần, nghĩa cử cao đẹp thắm đượm tình người. Đơn cử như câu chuyện làm ấm lòng dư luận mới đây, sáng 12-10, 3 học sinh Trường THCS Bồ Đề (quận Long Biên) trên đường đi học về đã nhặt được một cọc tiền 50 triệu đồng rơi sát mép đường, không một chút đắn đo các em đã quyết định mang đến nộp cho Công an phường, điều đáng nói là cả 3 em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn so với các bạn cùng lớp.

Hay là chuyện cụ bà 83 tuổi ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nhiều lần viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, chuyện anh lái xe đăng tin tìm người điều khiển xe container đã tông vào xe mình để trả lại số tiền thừa sau khi sửa xe, vì thấu hiểu “sự vất vả và rủi ro lớn” của nghề tài xế... Đó là những cô bé, cậu bé nhịn ăn sáng để quyên tiền gửi đồng bào lũ lụt, là cậu bé cõng bạn đến trường cả chục năm ròng... và vô vàn những con người khác đang ngày đêm thầm lặng làm những việc tử tế, “góp mật xây đời”. Những câu chuyện như vậy, tương tự như vậy vẫn ngày ngày được phản ánh qua báo chí, truyền hình, góp phần cổ vũ cho những lối sống đẹp, nhân văn, tử tế, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin vào lối sống tốt đẹp vẫn được bồi đắp, lan tỏa trong đời sống xã hội.

Tôn vinh, lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt; tuyên truyền một lối sống lấy sự tử tế là gốc rễ, khích lệ tinh thần sống đẹp chắc chắn sẽ mang đến hiệu ứng tích cực cho xã hội. Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Lâu nay, truyền thông đưa rất nhiều về những hình ảnh, tin tức thể hiện hành xử không đúng mực khiến xã hội mất lòng tin vào những điều tốt đẹp. Trên thực tế, những hành xử tử tế rất cần được tôn vinh, nhân rộng hơn là chỉ tập trung đề cập đến các chuyện xấu. Bởi chúng ta đang quá thiếu những điều tử tế bình thường và tôi nghĩ nếu những điều tử tế bình thường được ghi nhận, nhân rộng thì chỉ cần thế thôi xã hội cũng sẽ bình yên hơn”. Cùng với đó, để đánh thức sự tử tế, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: “Giải pháp để thay đổi cách ứng xử ở Thủ đô là phải giáo dục ngay từ nhỏ. Ngoài chuyện giữ gìn nền nếp, phong tục, điều quan trọng là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thì mới mong văn hóa ứng xử Hà Nội tốt hơn được”.

Trên thực tế, không có một định nghĩa chính xác hay cụ thể nào về sự "tử tế". Sống tử tế đôi khi chỉ là những hành động nhỏ thường ngày như vứt rác đúng chỗ, không vượt đèn đỏ hay dắt cụ già, em nhỏ qua đường... Đó cũng có thể là hành động lớn hơn như kêu gọi bảo vệ môi trường, thành lập tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn... Nhưng điều quan trọng hơn cả, việc làm đó xuất phát từ một cách nghĩ đẹp, một lối sống văn minh, "tử tế" với chính mình và với những người xung quanh.

Quan trọng hơn là cách đánh thức và lan tỏa, nhân rộng sự tử tế trong cuộc sống, như đạo diễn Trần Văn Thủy đã nhắn nhủ qua bộ phim tài liệu Chuyện tử tế gây tiếng vang cách đây từ hơn ba chục năm: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức sự tử tế trong mỗi con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.