Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động sáng tạo, nắm bắt công nghệ để tháo gỡ khó khăn

Hương Trà| 27/03/2020 09:19

(HNMCT) - Tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không chỉ mang tính trực tiếp, ngay lập tức mà còn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn lâu dài - đó là nhận định của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước những diễn biến khó lường của đại dịch toàn cầu.

Tình hình này đòi hỏi sự gắng sức, đồng lòng, chia sẻ của cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ cũng như tinh thần sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với NSND Nguyễn Quang Vinh xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã được thực hiện như thế nào?

- Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết các hoạt động tổ chức biểu diễn đã được tạm dừng. Việc cấp phép các chương trình mới cũng rất hạn chế, chỉ cấp với các chương trình dự kiến tổ chức từ tháng 6 trở đi và cũng phải căn cứ thực tế tình hình kiểm soát dịch thì mới có quyết định sau cùng. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng hết sức chủ động trong việc dừng, hoãn các sự kiện biểu diễn, hợp tác tốt với cơ quan quản lý nên đến nay, có thể nói là chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.

- Việc dừng hoặc tạm hoãn gần như tất cả các chương trình biểu diễn đã khiến lĩnh vực này ngay lập tức chịu thiệt hại rất lớn?

- Đúng vậy! Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại đầu tiên. Việc dừng khai mạc các lễ hội ngay từ đầu năm đã khiến các đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... gần như không hoạt động. Năm nay lại là năm chẵn, chúng ta có rất nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng nhưng buộc phải dừng hoặc tạm hoãn. Chẳng hạn như sự kiện văn hóa chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 dự kiến tổ chức từ ngày 6 đến 9-4 cũng vừa bị hoãn lại đến cuối tháng 6. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng phải lùi việc tổ chức một số cuộc thi, liên hoan chuyên ngành. Thậm chí, nếu cuối năm tình hình tốt hơn mà dồn lại nhiều đầu việc thì cũng phải lựa chọn tổ chức sự kiện nào cho hiệu quả. Đó là sự thiệt thòi đối với các đơn vị tổ chức biểu diễn, vừa là thiệt thòi cho công chúng khi không được thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác, vì bảo đảm sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu.

Ảnh hưởng của dịch với lĩnh vực này không chỉ là trước mắt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn lâu dài. Với các đơn vị nghệ thuật công lập, tất cả các khoản thu nhập tăng thêm đều dựa vào hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mức lương cơ bản của nghệ sĩ nhìn chung không đủ sống. Nhưng gặp khó khăn hơn cả là các đơn vị tự chủ hoàn toàn vốn chỉ có nguồn thu từ biểu diễn, như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại... Theo tôi được biết thì Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nghỉ tạm thời, hưởng 50% lương cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn. Và, ngay cả khi dịch đã được khống chế thì lĩnh vực này cũng chưa thể vực dậy ngay được, mà phải cần ít nhất 6 tháng bởi người dân phải ổn định cuộc sống, tâm lý...

 - Vậy có cách nào để vừa phòng, chống dịch hiệu quả mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, thưa ông?

- Về vấn đề này, chúng tôi đã nghĩ đến nhiều giải pháp. Chẳng hạn như với các hoạt động kỷ niệm lớn như kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) thì có thể lựa chọn phương án ghi hình và phát sóng trên truyền hình. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chương trình vẫn có thể diễn ra tại một địa điểm nào đó, được truyền hình trực tiếp nhưng có thể không có khán giả. Chúng ta sẽ tận dụng các giải pháp công nghệ và căn cứ trên tình hình dịch để có quyết định cụ thể.

- Nghỉ vì dịch nhưng không có nghĩa là ngừng làm việc. Nhiều nghệ sĩ đã tận dụng sức mạnh công nghệ để đưa tác phẩm đến với công chúng. Liệu phương pháp này có thể áp dụng đại trà trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong tình hình hiện nay hay không, thưa ông?

- Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lập một trang mạng để qua đó trao đổi, nắm bắt tâm tư của anh em nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật. Trong giai đoạn này, nhiều nghệ sĩ đã tranh thủ thời gian tập trung cho tái tạo năng lượng, tự nâng cao tay nghề. Một số nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ tận dụng công nghệ để đưa sáng tác mới đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, đó cũng là một cách làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu để một nhà hát làm điều đó thì có khi lại chưa đáp ứng được yêu cầu hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch. Do vậy, phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể. 

Các nhà hát cũng có thể tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có, chọn đưa ra khai thác qua mạng. Chúng ta có nhiều chương trình lớn, được dàn dựng công phu nhưng số buổi biểu diễn trực tiếp không nhiều, đa số công chúng chưa được thưởng thức. Đây là thời điểm có thể tận dụng, làm được gì tốt nhất nhờ tận dụng khả năng công nghệ thì làm. Tuy nhiên, có thể khẳng định là không phải ý muốn nào cũng có thể thành công, bởi trước nay các nhà hát của chúng ta chưa có sự chuẩn bị về dữ liệu, nhân lực cũng như các yếu tố kỹ thuật khác... Đó là một bài học mà chúng ta phải tính đến.

Các nghệ sĩ trong clip Ký ức Hội An - đập tan Cô Vy.

- Nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn, mọi động thái của nghệ sĩ đều thu hút sự quan tâm của công chúng, có tác động không nhỏ tới dư luận xã hội. Tuy nhiên, cũng có những nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội của mình nên phát ngôn không chính xác, gây ảnh hưởng đáng tiếc tới công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông nhận định như thế nào về những trường hợp này?

- Tôi nhận thấy hầu hết các nghệ sĩ đều thể hiện thái độ tích cực, chia sẻ, có ý thức chung tay với cộng đồng, các cơ quan quản lý trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Chẳng hạn, nghệ sĩ ở các nhà hát do Nhà nước quản lý đều chấp nhận nghỉ không lương, hoặc hưởng 50% lương mà không ai tỏ ra bức xúc hay đòi hỏi gì, bởi họ hiểu cả xã hội đều đang phải gánh chịu tác động từ dịch bệnh. Nhưng cũng có một số nghệ sĩ hoạt động tự do chỉ vì quá lo lắng, vì bức xúc nhất thời mà mất cảnh giác, vội vàng chia sẻ, lan truyền thông tin mà không biết đó là tin giả, hoặc thông tin chưa được kiểm chứng. Tôi cho rằng họ cũng chỉ có ý muốn làm được điều tốt cho xã hội chứ không hề có bất cứ mục đích nào khác... Và điều đó cũng đã được các cơ quan quản lý địa phương nhắc nhở kịp thời, là bài học cho giới nghệ sĩ nói riêng và cộng đồng nói chung.

Bên cạnh những trường hợp đáng tiếc đó, nhiều nghệ sĩ có hành động đẹp như tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, ủng hộ công tác phòng, chống dịch như NSƯT Xuân Bắc, ca sĩ Tùng Dương, Thùy Dung, Hồ Ngọc Hà và nhiều nghệ sĩ khác được dư luận hết sức hoan nghênh. Chúng tôi rất ủng hộ và sẽ có tổng hợp, xác minh để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hình thức khuyến khích, biểu dương kịp thời.

- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng về cuộc trao đổi!

Chúng tôi đã tự quay, dựng clip Ký ức Hội An - đập tan Cô Vy chỉ trong 1 ngày đêm. Ngoài việc động viên nghệ sĩ, hoạt động này còn góp phần tuyên truyền rộng rãi hơn về công tác phòng, chống dịch và sẻ chia khó khăn với đất nước. Chúng tôi tạm nghỉ diễn nhưng không ngừng luyện tập. Anh chị em diễn viên mong chờ từng ngày để được trở lại phục vụ du khách và khán giả, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam đến với nhiều người hơn.

Ông Lâm Nhất Phong - Quản lý diễn viên của chương trình Ký ức Hội An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động sáng tạo, nắm bắt công nghệ để tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.