Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả

Tiến Thành| 25/12/2018 06:39

(HNM) - Dù đã được quan tâm bố trí nhân lực và trang bị phương tiện, nhưng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thủ đô vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.


Ảnh: Internet


Hơn 40% lực lượng chưa được đào tạo chuyên ngành

Tính đến tháng 9-2018 (thời điểm Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội sáp nhập vào Công an thành phố theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an), có tổng số 1.916 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng này. Trong đó, số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chiếm chưa đến 50%; hơn 40% cán bộ, chiến sĩ chưa được đào tạo chuyên ngành.

Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đang có sự thiếu hụt về cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy. Nếu không có giải pháp khắc phục, thì trong thời gian tới, cán bộ chỉ huy cũng phải trực tiếp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cũng tại thời điểm trên, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Công an thành phố được thành lập, gồm 7 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực. Công an thành phố cũng thành lập 30 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, mạng lưới này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về bán kính chữa cháy.

Chưa kể, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng. Cụ thể, trong 260 xe chữa cháy và xe chuyên dụng, hơn 30% xe đã sử dụng từ 10 năm trở lên. Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, xe thang chữa cháy cao nhất hiện nay của đơn vị dài 52m, chỉ có thể vươn đến tầng 10. Trong khi đó, thành phố có 1.407 công trình chung cư, nhà cao tầng đang hoạt động, hầu hết đều cao trên 10 tầng.

Ngoài ra, khu vực nội thành với hàng nghìn đường phố, ngõ ngách nhỏ, lưu lượng giao thông cao cũng là trở ngại cho các phương tiện chuyên dụng có kích thước lớn mỗi khi xảy ra sự cố. Hệ thống trụ nước, nguồn nước tự nhiên trên địa bàn thành phố vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy.

Từng bước nâng cao chất lượng

Tháng 6-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2858/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2018-2020”. Đề án được triển khai nhằm tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sau gần 3 tháng thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy, đến nay cơ bản các đơn vị đã ổn định về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác. Đơn vị cũng đã tập trung thực hiện đề án của UBND thành phố với trọng tâm là, nâng cao chất lượng kỹ thuật, chiến đấu, quy trình xử lý các tình huống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ. “Công tác đào tạo cán bộ, chiến sĩ được tập trung chuyên sâu theo từng chuyên ngành; định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn. Đơn vị cũng tổ chức các lớp tập huấn, đánh giá nghiệp vụ của từng đối tượng như chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, qua đó sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của từng người”, Trung tá Phạm Trung Hiếu cho biết.

Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng cán bộ, chiến sĩ, Công an thành phố quan tâm đầu tư trang, thiết bị phục vụ công tác. Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, Công an thành phố đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chuyên dụng về phòng cháy, chữa cháy. Công an thành phố cũng đề xuất UBND thành phố và Bộ Công an trang bị những phương tiện hiện đại, đồng thời chủ động nghiên cứu các thiết bị phù hợp với thực tế để lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Đối với cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, Công an thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và chính quyền các địa phương khảo sát, tháo dỡ chướng ngại vật trên đường phố để tạo điều kiện thuận lợi cho xe chữa cháy hoạt động khi xảy ra sự cố. Công an thành phố còn phối hợp với Sở Xây dựng để trong giai đoạn 2018-2020 lắp thêm 1.500 trụ nước chữa cháy. Song song với đó là đẩy mạnh việc thu thập, bổ sung dữ liệu, ứng dụng “Bản đồ số” của Công an thành phố nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của toàn lực lượng.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), thành phố có 44.141 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; trong đó 8.235 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.