Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

Hằng Dung| 16/02/2019 07:51

(HNM) - Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng” vừa được ban hành (ngày 22-1-2019) đã thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Minh bạch, tuân thủ quy định từ sản xuất đến phân phối hàng hóa là giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả. Ảnh: Hữu Tiệp


Ông Lưu Văn Báu, Phó Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm:
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Trong Chỉ thị số 30-CT/TƯ đã nêu rõ vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc làm này nhằm khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách vấn đề này. Trong thời gian tới, các cấp, ngành được giao nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dịp Tết, lễ hội xuân hằng năm cần tăng cường vai trò lãnh đạo; phát huy vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Về công tác tuyên truyền, cần đa dạng hóa dưới mọi hình thức nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng. Với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật.

Ông Đỗ Văn Long, phường Phú Diễn (quận Nam Từ Liêm):

Thực hiện hiệu quả chỉ thị sẽ tạo nhiều kết quả tích cực

Chỉ thị số 30-CT/TƯ đã chỉ ra những yếu kém của các cơ quan được phân công phụ trách trong các lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi, trong những năm qua công tác này đã được quan tâm hơn và đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Mỗi năm có hàng nghìn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hàng nghìn vụ việc bị phanh phui do làm giả, làm nhái sản phẩm; nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra... gây hoang mang dư luận.

Với những yêu cầu mà Ban Bí thư đưa ra, chúng tôi tin tưởng về sự công khai, minh bạch các tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Điều đáng mừng là Chỉ thị số 30-CT/TƯ yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân. Tôi tin rằng, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TƯ sẽ ngăn chặn được rất nhiều hành vi sai trái, xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội:

Công khai các hành vi gian dối, lừa gạt người tiêu dùng

Trong thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp làm ăn chộp giật, thậm chí là quảng cáo sai sự thật về sản phẩm cung cấp để đánh lừa người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận. Điều này diễn ra ở tất cả các lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp đến thương mại, dịch vụ... Trong khi đó, có những đơn vị thực thi pháp luật cố tình phớt lờ sự việc, hoặc có xử lý nhưng chỉ chiếu lệ, không đủ sức răn đe. Đáng nói là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi bị xử lý lại thay tên gọi để hoạt động tiếp. Việc làm này đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đơn vị cùng hoạt động trong lĩnh vực đó. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở làm ăn gian dối, công bố kết quả rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh. Mặt khác, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không dấu hiệu bao che, bảo kê cho các hoạt động phi pháp này. Những nhiệm vụ này rất quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

Bà Nguyễn Thị Mai, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông):
Hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có, nhiều chế tài đã được đưa ra, song có thể thấy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức. Hằng ngày, nhiều người tiêu dùng vẫn mua phải rất nhiều nông sản, thực phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc... bán tràn lan ngoài thị trường. Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương cần quản lý chặt từ khâu sản xuất, chế biến cho đến lưu thông hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thực phẩm. Khi kiểm tra, phát hiện ra vi phạm cần xử lý nghiêm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý hình sự, không nên chỉ xử phạt hành chính. Đồng thời, để giúp người tiêu dùng có thể nhận biết nhanh được sản phẩm thật, giả, cơ quan chức năng cần hỗ trợ thông qua việc đầu tư thiết bị phân biệt hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại để người dân tự kiểm tra. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.