Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động: Chặn nguy cơ rủi ro nơi làm việc

Minh Ngọc| 01/05/2019 07:01

(HNM) - Nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian gần đây xuất phát từ thái độ chủ quan, lơ là của người lao động và người sử dụng lao động trước những nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc.

Người lao động cần sử dụng trang bị bảo hộ lao động trong sản xuất. Ảnh: Thái Hiền


Hiểm họa ở mọi nơi

Đến làng nghề tiện gỗ Nhị Khê, xã Nhị Khê (Thường Tín) vào một ngày cuối tháng 4, phóng viên Báo Hànộimới đã chứng kiến những người làm nghề mộc đi dép lê, dùng tay trần đưa gỗ vào máy tiện, máy cắt để chế tác sản phẩm. Khắp làng nghề phát ra tiếng máy ầm ĩ, bụi bay mù mịt, đồ gỗ ngổn ngang, nhìn bằng mắt thường cũng thấy nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động cao, nhưng không mấy ai để ý đến mối nguy hiểm đó. Ông Nguyễn Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân chủ động phòng, chống cháy nổ, tai nạn lao động, song rất ít người quan tâm đến vấn đề này.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Thường Tín có hơn 40 làng nghề và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những sản phẩm dễ gây tai nạn. Riêng năm 2018, toàn huyện xảy ra 12 vụ tai nạn lao động, trong đó có 2 vụ gây chết người; xảy ra 47 vụ cháy, tuy không thiệt hại về người, nhưng gây thiệt hại về tài sản khoảng hơn 90 tỷ đồng.

Tương tự Thường Tín, huyện Mỹ Đức để xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng trong năm 2018. “Vụ tai nạn ở xã Đại Hưng do người lao động không thắt dây bảo hiểm khi làm việc, không may trượt chân ngã từ giàn giáo xuống đất, tử vong. Còn vụ tai nạn ở xã Xuy Xá do thợ vận hành máy trộn vữa xây dựng chạm vào dây điện hở, bị điện giật, dẫn đến tử vong và vụ tai nạn xảy ra ở Công ty Điện lực Mỹ Đức do sự cố đóng điện lưới, làm một người bị bỏng nặng”, ông Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức thông tin. Tại những địa phương tập trung nhiều điểm công nghiệp, làng nghề, công trình xây dựng như quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Oai, Thạch Thất…, tình trạng mất an toàn lao động cũng chưa được khắc phục triệt để.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2018, toàn thành phố xảy ra 369 vụ tai nạn lao động, làm 380 người chết và bị thương. Đặc biệt, làm việc trong môi trường thiếu an toàn, nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, trên thực tế số vụ tai nạn lao động và số người bị thương, chết do tai nạn lao động có thể còn lớn hơn nhiều, vì mỗi năm, toàn thành phố chỉ có từ 5% đến 7% số doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động.

Nâng cao ý thức phòng ngừa

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 200.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 làng nghề truyền thống đang hoạt động, với gần 4 triệu lao động đang làm việc. Để giảm nguy cơ tai nạn lao động, ý thức của người lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động giữ vai trò quyết định. Vì vậy, trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên phạm vi rộng.

Trong giai đoạn 2016-2018, qua kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 doanh nghiệp, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động, không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc… Đáng chú ý, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại với người lao động về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; mở các lớp tập huấn nâng cao về an toàn, vệ sinh lao động cho đại diện doanh nghiệp, người lao động.

Nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động ở làng nghề tiện gỗ Nhị Khê (huyện Thường Tín). Ảnh: Hà Hiền


Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 (diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-5), các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa để làm nổi bật chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là lễ phát động Tháng hành động diễn ra vào sáng 3-5, tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) với sự tham gia của hơn 1.000 người. Sau lễ phát động, hai đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động ở hơn 60 doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong dịp này, 30/30 quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và yêu cầu mọi người, mọi nhà, mọi ngành chung tay thực hiện. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã phát động phong trào thi đua xây dựng cơ quan xanh - sạch - đẹp - bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, văn minh. Còn ở huyện Phúc Thọ, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra thực tế tại các làng nghề và thường xuyên hướng dẫn người dân cách thức tự phòng chống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động: Chặn nguy cơ rủi ro nơi làm việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.