Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để loại bỏ “bóng cười”...

Tiến Thành| 14/09/2019 07:53

(HNM) - Việc phát hiện, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh, sử dụng “bóng cười” trong thời gian qua đã được Thành ủy, UBND và các ban, ngành liên quan của thành phố Hà Nội quan tâm, thực hiện quyết liệt. Báo Hànộimới cũng đã có nhiều bài viết phản ánh những nỗ lực, cố gắng của các cấp ngành, cũng như cảnh báo tác hại của loại sản phẩm này. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vẫn lén lút hoạt động với cách thức tinh vi hơn trước. Tăng cường xử lý kết hợp tuyên truyền là giải pháp đang được các cơ quan chức năng thực hiện để ngăn ngừa, tiến tới loại bỏ “bóng cười” khỏi đời sống xã hội.

Nhóm bạn trẻ chơi “bóng cười” tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Lê Tú

Hoạt động tinh vi hơn

Từ ngày 17-8 đến 26-8, Công an thành phố Hà Nội đã ra quân tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm tàng trữ, kinh doanh, sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi, giải trí (bơm khí N2O vào bóng bay - còn gọi là “bóng cười”). Qua đó, công an các quận, huyện, thị xã đã điều tra, lập danh sách 204 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện kinh doanh, sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố; tổ chức cho 330 cơ sở kinh doanh ký cam kết không mua bán, tàng trữ, kinh doanh trái phép khí N2O. Công an thành phố đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức kiểm tra 268 cơ sở kinh doanh, phát hiện 78 cơ sở, cá nhân vi phạm, thu giữ hàng trăm bình khí N2O và hàng chục nghìn quả bóng cao su.

Tuy nhiên, khi bị kiểm tra gắt gao, các cơ sở lại có những phương thức kinh doanh “bóng cười” tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Nghiện “bóng cười” nên dù “quán ruột” ở quận Đống Đa bị xử lý thì Hoàng Minh Thắng (phường Phương Liệt, quận Đống Đa) vẫn tìm ra nơi để mua và sử dụng. Thắng cho biết, các cơ sở kinh doanh “bóng cười” rút vào hoạt động “ngầm” và không treo biển hiệu nên chỉ “khách ruột” mới tiếp cận được. Có nhiều trường hợp, chủ cơ sở lắp đặt các ngăn tủ được khóa chặt bên ngoài nhưng đục lỗ để nhân viên bơm bóng cho khách. “Khi bị kiểm tra bất ngờ, các chủ cơ sở sẽ báo nhân viên xả hết khí N2O để phi tang bằng chứng. Một vài cơ sở còn để bình khí ở địa điểm khác, khi khách có nhu cầu, nhân viên sẽ mang bóng đến phục vụ”, Hoàng Minh Thắng nói.

Ngoài chiêu trò đối phó mới, sau khi bị xử lý quyết liệt ở khu vực nội thành, hoạt động kinh doanh “bóng cười” có xu hướng chuyển ra địa bàn ngoại thành. Theo Công an huyện Thạch Thất, thực hiện cao điểm tổng kiểm tra, đơn vị đã phát hiện tại 4 cơ sở kinh doanh karaoke, quán cà phê tàng trữ 16 bình khí N2O, 69 quả bóng cao su… Ngoài ra, đơn vị này còn phát hiện 2 nam thanh niên cùng ở xã Thạch Hòa vận chuyển 8 bình khí N2O và 400 quả bóng cao su.

Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết, tình trạng kinh doanh, sử dụng “bóng cười” trên địa bàn huyện mới chỉ xảy ra trong thời gian gần đây. Chị Bùi Thu Quỳnh (thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất) tỏ ra lo lắng khi “bóng cười” đã lan đến vùng nông thôn, mong muốn cơ quan chức năng tập trung xử lý đẩy lùi hoạt động này.

Trao đổi về nguyên nhân khiến “bóng cười” vẫn còn, Thiếu tá Trần Phú Lâm, Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy cho rằng, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chủ yếu là xử lý hành chính, trong khi lợi nhuận từ việc kinh doanh này không nhỏ nên các chủ cơ sở vẫn bất chấp, có cơ sở tái phạm nhiều lần. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ nên vẫn còn kẽ hở để các đối tượng kinh doanh “bóng cười”.

Cần tăng chế tài xử phạt

Để ngăn ngừa, đẩy lùi, tiến tới loại bỏ “bóng cười” khỏi đời sống xã hội, Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan (quận Đống Đa) Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Đảng ủy, UBND phường cùng các ban, ngành, đoàn thể đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc sử dụng khí N2O trong vui chơi, giải trí. Đồng thời, vận động người dân cung cấp thông tin về các cơ sở kinh doanh “bóng cười” để kịp thời xử lý. “Nhiều buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh các trường trên địa bàn phường, trong đó có nội dung về nhận biết và tác hại của “bóng cười” đã được tổ chức, từ đó giúp học sinh nâng cao nhận thức, phòng tránh”, ông Nguyễn Hoàng Giang nói.

Sử dụng “bóng cười” có thể dẫn tới nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Để giải quyết triệt để tình trạng sử dụng, kinh doanh “bóng cười” trong thời gian tới, Đại tá Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Công an thành phố đã giao Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với chỉ huy công an các quận, huyện, thị xã, cơ quan quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình, tổ chức kiểm tra liên tục các địa bàn, tụ điểm phức tạp. Trong đó, tập trung vào những cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện kinh doanh khí N2O đã được thống kê, rà soát, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Công an thành phố cũng tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người cùng hiểu được tác hại của việc sử dụng khí N2O.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian tới, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố Hà Nội trong công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố có hành vi mua bán và sử dụng “bóng cười”. Trong quá trình này, quản lý thị trường cũng tổ chức kiểm tra đồng thời với việc kinh doanh thuốc lá, rượu, bia và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được bày bán tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) cũng đề xuất, cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O, trong đó đưa khí N2O vào danh mục cấm sử dụng với mục đích vui chơi, giải trí. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi các chế tài theo hướng tăng nặng, trong đó cần thiết phải xử lý hình sự những cơ sở tái phạm, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho công tác xử lý các đối tượng kinh doanh, sử dụng “bóng cười”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để loại bỏ “bóng cười”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.