Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn

Nhật Hà| 04/12/2019 15:42

(HNMO) - Ngày 4-12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016, trong đó đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn là cần thiết.

 Quang cảnh hội nghị

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Báo chí 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Sau 3 năm thực hiện, Bộ ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí; nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; giúp các nhà báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương, đồng thời phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định trong Luật Báo chí 2016…

Trong quá trình thực thi Luật cũng có một số khó khăn, vướng mắc được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, như Luật chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý; Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí. Trong khi đó, chính các đối tượng bị điều chỉnh theo Luật Báo chí 2016 cũng không nắm chắc Luật, dẫn đến tình trạng thực hiện không đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, Luật Báo chí 2016 chỉ quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều.

Bên cạnh đó, quy định về phóng viên: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới 2 năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo)... 

Các tham luận tại hội nghị cũng đề xuất ý kiến về xây dựng dự thảo Luật Báo chí 2016 sửa đổi, như cần có quy định về chế độ lưu chiểu đối với loại hình đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp; tăng vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông, bởi việc đề nghị xét cấp thẻ nhà báo không cần có ý kiến của cấp sở, gây khó khăn cho công tác quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.