Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ đào tạo nghề mới cho người thất nghiệp: Đa số có việc làm sau khi học nghề

Minh Ngọc| 12/01/2020 07:20

(HNM) - Số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề tăng nhanh; đa số lao động có việc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Đó là nội dung chính của cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân về việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Người lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hỗ trợ thủ tục đào tạo nghề. Ảnh: Hà Hiền

- Ông có thể cho biết việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội được triển khai như thế nào? Hiệu quả đến đâu?

- Trên thực tế, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã liên kết với 16 cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo 27 nghề trình độ sơ cấp cho những người có nhu cầu. Những nghề được đào tạo phù hợp với xu hướng sử dụng lao động của thị trường. Hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đa số người học nghề đã trở lại thị trường lao động, sau khi hoàn thành chương trình học.

Thấy rõ tính ưu việt, số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề đã tăng từ vài trăm người vào năm 2009 (năm đầu tiên triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp), lên khoảng 3.000 người vào năm 2018 và tiếp tục tăng lên gần 9.000 người vào năm 2019.

- Là người phụ trách công tác quản lý nhà nước về các hoạt động liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm trên địa bàn Hà Nội, ông thấy việc triển khai dạy nghề cho nhóm lao động thất nghiệp có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm?

- Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn.

Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện tương đối tốt chức năng kết nối người lao động thất nghiệp với các cơ sở dạy nghề, nhưng chưa theo dõi sát sao cả quá trình đào tạo. Chẳng hạn như việc một số cơ sở tổ chức dạy nghề cho người lao động thất nghiệp không đúng với địa chỉ ký kết trong hợp đồng đào tạo, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, song, trung tâm chưa đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm. Một số lao động đã trở lại thị trường lao động trong thời gian học nghề, nhưng không được phát hiện sớm, làm ảnh hưởng đến cơ hội của người khác… Những vấn đề này cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

- Liên quan đến việc đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, cuối tháng 12-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trước thông tin, đơn vị này đã "trục lợi chính sách dạy nghề cho người thất nghiệp". Hiện, sự việc được giải quyết ra sao, thưa ông?

- Báo Lao Động số ra ngày 19-12-2019 có đăng tải bài viết với nội dung phản ánh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Công ty cổ phần Đào tạo nghề và vận tải ô tô Thành Công trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) kiểm tra, làm rõ. Sở sẽ báo cáo kết quả kiểm tra với Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 15-1-2020. Trong trường hợp phát hiện ra sai phạm, các đơn vị nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

- Trước xu hướng thị trường lao động cần nguồn nhân lực chất lượng cao, theo ông, các bên liên quan cần làm gì để chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trở thành “giá đỡ” cho lao động thất nghiệp và việc quản lý hoạt động này sẽ chặt chẽ hơn?

- Tôi cho rằng, trước hết, các cơ quan, đơn vị chức năng sớm nghiên cứu bổ sung, tổ chức đào tạo thêm một số nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động và thị trường.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, ngoài các chính sách, giải pháp đã triển khai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng dự thảo đề án tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Cùng với đó, Sở giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi sát sao quá trình đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp; đồng thời mở nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến, giúp lao động thất nghiệp có thêm thông tin về thị trường lao động…

Đối với cơ sở dạy nghề, tôi mong muốn các đơn vị phát huy trách nhiệm xã hội, tăng cường phối hợp, tham gia đào tạo nghề cho đối tượng lao động thất nghiệp đúng quy định. Còn người lao động nên có sự lựa chọn thay đổi nghề nghiệp đúng đắn, học nghề với thái độ nghiêm túc, tránh bỏ dở giữa chừng, gây lãng phí về nhiều mặt.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ đào tạo nghề mới cho người thất nghiệp: Đa số có việc làm sau khi học nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.