Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng tham gia phòng, chống ma túy

Hà Hiền| 17/05/2020 07:06

(HNM) - Trước tình trạng số người sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, việc làm thế nào để từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội là trách nhiệm không của riêng ai, mà cần sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía và mỗi người dân trong cộng đồng.

Góp phần thực hiện nhiệm vụ này, năm 2020, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, trong đó nòng cốt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ma túy.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội tham gia học nghề. Ảnh: Minh Ngọc

Người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có gần 13.000 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. So với những năm trước, số người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý ở Hà Nội tuy giảm, nhưng lại tập trung vào những người trẻ, dưới 35 tuổi. Anh Ng. N. D. (sinh năm 1999, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Từ khi sa vào con đường lầm lỡ sử dụng ma túy, tôi dần đánh mất bản thân mình, làm khổ gia đình, người thân”.

Điều đáng quan tâm là trong khi số người nghiện ma túy tăng nhanh, thì công tác điều trị cai nghiện chưa đạt kết quả như mong muốn và còn một số bất cập. Về số lượng, số người đi điều trị cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện và được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong năm 2019 của thành phố Hà Nội là hơn 2.700 người, tương đương hơn 22% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý (con số này của cả nước chưa đạt 20%). Về chất lượng, rất hiếm số người sau cai nghiện ngừng sử dụng ma túy từ một năm trở lên.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất cho biết, trong những năm qua, công tác điều trị cai nghiện ma túy nói riêng, phòng, chống ma túy nói chung đã có sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị. Tiếc rằng, đâu đó vẫn còn một số người chưa nhìn nhận đúng về công tác này, dẫn đến việc ứng xử chưa đáp ứng yêu cầu. Đa số người dân vẫn cho rằng, người sử dụng ma túy là người nghiện ma túy, cần đưa họ vào các cơ sở cai nghiện tập trung để điều trị. Trong khi đó, người sử dụng ma túy chưa chắc đã nghiện ma túy, còn người nghiện ma túy có thể điều trị cai nghiện bằng nhiều hình thức (điều trị tập trung tại các cơ sở cai nghiện, điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị thay thế bằng Methadone...).

Về bản thân người nghiện và gia đình, đa số họ không tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác với chính quyền, nên rất khó tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy hiện hành còn nhiều điểm chưa thống nhất, khiến các cơ quan, đơn vị chức năng lúng túng trong quá trình triển khai. Mô hình xã, phường, thị trấn “không có tệ nạn ma túy” chưa được quan tâm phát triển theo cả chiều rộng và bề sâu...

Xóa tụ điểm, khuyến khích cai nghiện tự nguyện

Nhằm từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội, năm 2020, toàn thành phố đặt mục tiêu khám phá, xử lý 2.200 vụ án về ma túy, trong đó có 1.300 vụ có tính chất mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy; triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại; kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh, triệt xóa. Với công tác điều trị cai nghiện, trong năm, dự kiến thành phố tổ chức cai nghiện cho hơn 6.400 người (800 người đi cai nghiện bắt buộc, 600 người điều trị tại gia đình, cộng đồng; hơn 4.000 người điều trị thay thế bằng Methadone).

Để đạt những mục tiêu nêu trên, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng tập trung nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo hướng này, ngoài những giải pháp đã triển khai, các địa phương vận động, khuyến khích người nghiện và gia đình họ tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện tham gia các hình thức cai nghiện phù hợp; đồng thời, lồng ghép công tác tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện với chương trình dạy nghề, tạo việc làm. Đặc biệt, một số địa phương duy trì triển khai thí điểm “Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”, “Mô hình thí điểm tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xã hội chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”...

Góp phần nâng cao nhận thức xã hội về phòng, chống ma túy, các địa phương xây dựng đội công tác xã hội tình nguyện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy cũng như tác hại của ma túy; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (26-6)… Công tác thông tin, tuyên truyền diễn ra thường xuyên, liên tục, tập trung ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng có nguy cơ cao.

Giải pháp khác được triển khai là Công an thành phố thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; giải quyết các địa bàn, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, cơ sở chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy... Lực lượng Công an cũng rà soát, thống kê người sử dụng ma túy để quản lý, theo dõi, phòng ngừa; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp điều tra, đưa các vụ án về tội phạm ma túy ra xét xử điểm, xét xử lưu động...

Thông qua các mô hình, giải pháp được triển khai đồng bộ, hy vọng công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn Hà Nội sẽ có sự chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng tham gia phòng, chống ma túy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.