Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ nơi khác vào Hà Nội

Hoàng Lân| 28/08/2020 15:34

(HNMO) - Chiều 28-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Nguy cơ dịch xâm nhập

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. 

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Từ ngày 19-8 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, nhưng có 1 trường hợp cách ly tập trung tại Hải Dương trở về Hà Nội có kết quả xét nghiệm lần 2, lần 3 dương tính và 1 trường hợp nhập cảnh Hàn Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 liên quan Hà Nội.

Hiện, Hà Nội có 581 trường hợp F1, 3.562 trường hợp F2. Thành phố đã lấy 73.499 mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người ở Đà Nẵng về từ ngày 15-7, đã có kết quả 71.947 mẫu, ghi nhận 1 trường hợp dương tính là BN979. Số người còn cách ly tập trung là 693 trường hợp.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện, từ ngày 25 đến 28-8, các bệnh viện đã khám sàng lọc cho 1.536 bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở; xét nghiệm 90 trường hợp là bệnh nhân nghi ngờ. Hiện các bệnh viện còn cách ly điều trị 71 bệnh nhân nghi ngờ. Sở Y tế cũng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch của 68 bệnh viện trong và ngoài công lập. Kết quả, 51 bệnh viện đạt tiêu chí an toàn, 14 bệnh viện an toàn ở mức thấp, 3 bệnh viện không an toàn được tiếp tục dừng hoạt động để khắc phục tồn tại...

Đánh giá về tình hình phòng, chống dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, mặc dù Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng, nhưng có 2 trường hợp trở về từ khu cách ly tập trung có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, vì vậy, nguy cơ bệnh xâm nhập từ nơi khác vào Hà Nội là rất đáng lo ngại, toàn thành phố cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là.

Còn nhiều cơ sở ăn uống, phòng khám tư nhân chưa bảo đảm an toàn phòng dịch

Báo cáo về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, quận Hoàn Kiếm cho biết, liên quan đến ca Covid-19 mới nhất (là F1 của BN1.034), quận đã chuyển bệnh nhân này đi cách ly từ ngày 25-8. Các trường hợp F2 của bệnh nhân này trở thành F1 cũng đã được đưa đi cách ly tập trung. 

Về việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh ăn uống, phòng khám tư nhân, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra, giám sát 153 phòng khám tư nhân, 153 nhà thuốc trên địa bàn; tổ chức phun khử khuẩn các trường học; phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết...Quận Cầu Giấy báo cáo, đã xử lý 2 cơ sở kinh doanh karaoke.

Trong khi đó, quận Nam Từ Liêm cho biết đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết, thực hiện kiểm tra xong ở 10 phường. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng kiểm tra 52 phòng khám, 90 nhà thuốc tư nhân, trong đó có 2 nhà thuốc chưa bảo đảm an toàn phòng dịch; xử phạt 492 trường hợp không đeo khẩu trang, 62 cơ sở ăn uống không bảo đảm giãn cách...

Tăng cường kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, các cửa hàng ăn uống, quận Long Biên đã ký cam kết với hơn 2.000 cơ sở kinh doanh ăn uống; xử phạt 10 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Bên cạnh đó, quận đã rà soát 10 trường hợp F1 liên quan đến các bệnh nhân Covid-19; thực hiện cách ly 9 tổ bay. 

Quận Hoàng Mai cũng cho biết, đã ban hành 35 văn bản để các phường, tổ dân phố thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch. Đối với 2 bến xe, quận yêu cầu nhà xe thực hiện khai báo y tế với hành khách. Ngoài ra, quận đã huy động 1.204 người tham gia các tổ giám sát cộng đồng. Quận đã tổ chức 5 đợt kiểm tra, xử phạt 11 trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; kiểm tra 35 quán nước, 55 quán karaoke, 328 nhà hàng ăn uống...

Các huyện Mê Linh, Thường Tín, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ... cũng thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch; thực hiện xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang; kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh. Đáng chú ý, huyện Mê Linh đã tạm dừng 2 cơ sở khám, chữa bệnh vì không bảo đảm điều kiện phòng dịch; xử phạt 70 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, đặc biệt là tại các chợ hoa trên địa bàn; thành lập 880 tổ giám sát cộng đồng thực hiện vận động, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch...

Đại diện huyện Chương Mỹ cho biết, 1.105 tổ giám sát cộng đồng đã được thành lập trên địa bàn huyện. Trong 3 ngày qua, lực lượng chức năng của huyện đã kiểm tra 42 quán cà phê, nhà hàng, quán ăn; 16 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, qua đó, xử phạt 3 cơ sở là quán ăn, nhà hàng và 4 cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đánh giá, có đến 60% nhà hàng, quán cà phê, quán ăn chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, huyện sẽ tăng cường xử phạt các cơ sở còn có vi phạm. Về hiệu quả hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng, lãnh đạo huyện Chương Mỹ nhận định, vẫn có nhiều tổ giám sát hoạt động chưa bảo đảm như yêu cầu, dẫn đến chưa xử lý nghiêm được các trường hợp vi phạm.

Về việc kiểm tra, giám sát tại các bệnh viện, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đoàn kiểm tra của Sở đã kiểm tra các bệnh viện, trong đó, 80% bệnh viện đạt mức an toàn. Tuy nhiên, việc giãn cách tại các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, chưa được thực hiện nghiêm túc. Bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất đưa tiêu chí về việc giãn cách để tính điểm cho các bệnh viện, như vậy mới chấn chỉnh được tình trạng này.

Ngoài ra, tại các cơ sở, phòng khám tư nhân, bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất kiểm tra, giám sát khắt khe việc phân luồng khám, chữa bệnh; giãn cách tại các phòng khám; việc đeo khẩu trang của các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu cơ sở nào không bảo đảm thực hiện thì sẽ bị rút giấy phép hoạt động.

Về thực hiện chính sách cho những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mới có 10 quận, huyện gửi thông tin về Sở, còn 20 đơn vị chưa gửi. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị chậm nhất vào ngày 31-8, các quận, huyện phải gửi thông tin các đối tượng được hưởng chính sách để Sở tổng hợp và báo cáo UBND thành phố.

Về các hoạt động khác, Sở Giao thông Vận tải đã kiểm tra các bến xe, nhà xe trên địa bàn thành phố, ghi nhận thực hiện phòng, chống dịch đúng quy định. Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 2 ngày qua, có 201 lượt tin, bài phản ánh về dịch bệnh trên báo chí Hà Nội; đến ngày 28-8, Hà Nội có hơn 2,5 triệu lượt người cài đặt ứng dụng Bluezone, đứng đầu cả nước về số lượng người cài đặt.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu giám sát thời gian cách ly đối với các trường hợp cách ly tập trung, phải lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian thực hiện cách ly. Các tổ giám sát cộng đồng cần thực hiện nghiêm túc hơn, cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ sở kinh doanh để thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc

Đánh giá về tình hình dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Ngô Văn Quý cho biết, tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, các ổ dịch đã được kiểm soát.

Riêng Hà Nội trong 10 ngày qua chưa có ca mắc mới ngoài cộng đồng nhưng có 2 ca tái dương tính và 1 ca đến Hàn Quốc thì được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này đã được Sở Y tế và các đơn vị rà soát, khoanh vùng các trường hợp F1, F2, thực hiện xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung. 

Đồng chí Ngô Văn Quý hoan nghênh các địa phương đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của thành phố: Rà soát F1, F2; tổ chức tốt các khu cách ly tập trung; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, như: Đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không tập trung đông người. Sở Y tế tăng cường kiểm tra tại các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, trung tâm cai nghiện...

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện phòng, chống dịch. Đó là vẫn còn bệnh viện đạt tiêu chí an toàn ở mức thấp, trong đó có 3 đơn vị phải dừng hoạt động; nhiều cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện chưa tốt việc phòng dịch; các quán bar, karaoke vẫn hoạt động chui; nhiều cửa hàng ăn uống, giải khát chưa thực hiện giãn cách đúng yêu cầu; công tác phân luồng tại sân bay Nội Bài có lúc còn chưa khoa học...

Về tình hình dịch trong thời gian tới, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, dù trong 10 ngày qua, Hà Nội không có ca mắc Covid-19, nhưng vẫn còn nguy cơ, dự báo vẫn có ca bệnh mới xuất hiện.

Vì vậy, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục khoanh vùng, truy vết các trường hợp dương tính và các đối tượng liên quan; thực hiện tốt việc quản lý tại các khu cách ly tập trung, bảo đảm đúng quy định, không để lây nhiễm chéo; tiếp tục tuyên truyền người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố, như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên xe buýt, các hàng quán thực hiện giãn cách đúng quy định tối thiểu 1m...

Đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị, thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; các hàng quán, karaoke hoạt động chui; không bảo đảm giãn cách đúng quy định. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại cơ sở. Sở Y tế cùng phòng y tế, các ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế.

Các trường học phải thực hiện nghiêm việc phòng dịch cho học sinh, chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới theo đúng hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu cần có sự phân luồng tại các sân bay theo đúng quy trình nhanh, gọn, đơn giản, đúng đối tượng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đôn đốc việc mua sắm vật tư, thiết bị bảo đảm phòng, chống dịch. Các địa phương phải thực hiện rà soát các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thành phố trong ngày 31-8.

Đồng chí Ngô Văn Quý cũng yêu cầu, trong kỳ nghỉ 2-9, các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt hơn việc phòng, chống dịch. Đặc biệt, ngành Giao thông - Vận tải phải có biện pháp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bến xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ nơi khác vào Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.