Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Minh Ngọc| 21/10/2020 06:32

(HNM) - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức được hàng trăm lớp đào tạo nghề, từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho lao động ở nông thôn. Đây thực sự là giải pháp góp phần giảm nghèo hiệu quả, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Lao động nông thôn thực hành trồng rau hữu cơ tại xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức).

Cuộc sống đổi thay sau học nghề

Tham gia các khóa đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định và cao hơn so với trước khi học nghề. Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Đại Trung, xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) cho biết, đầu năm 2016, chị tham gia khóa học nghề may công nghiệp dành cho lao động nông thôn. Sau khi tốt nghiệp, chị mạnh dạn vay vốn để mở xưởng may tại gia đình. Sau hơn 4 năm hoạt động, xưởng may ngày càng phát triển, mang đến việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động.

Cũng học nghề may như chị Thúy, còn có hàng nghìn lao động khác, từ người nông dân thành những người thợ may lành nghề và làm cho những vùng quê thuần nông trở sôi động hơn với những xưởng sản xuất. Điển hình là xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), xã Tản Hồng (huyện Ba Vì), xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), xã Cao Viên (huyện Thanh Oai)... Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Oai Nguyễn Mạnh Hùng, may công nghiệp là nghề phát huy hiệu quả tích cực nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang được triển khai đào tạo cho lao động nông thôn…

Cùng với nghề phi nông nghiệp, việc hỗ trợ dạy các nghề nông nghiệp được triển khai sâu rộng cũng mang đến cơ hội có thu nhập cao hơn cho những lao động chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Chị Khuất Thị Thúy, thôn Triệu Xuyên 3, xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Tôi áp dụng kiến thức có được sau khóa học nghề kỹ thuật trồng rau hữu cơ vào sản xuất. Nhờ đó, nguồn thu nhập từ trồng rau hữu cơ đạt từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trước khi học nghề”.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 80.000 lao động nông thôn. Sau học nghề, 88,45% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, thu nhập cao hơn.

Đào tạo nghề gắn với bảo đảm việc làm

Đề cao chất lượng và hiệu quả, trong quá trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, đơn vị chức năng luôn lấy người học làm trung tâm, tổ chức dạy nghề khi chắc chắn bảo đảm có việc làm cho hơn 80% số người đăng ký học.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, các cơ quan chức năng đã căn cứ vào nguyện vọng của người học, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động để điều chỉnh danh mục các nghề đào tạo cho lao động nông thôn từ tổng số 49 nghề của giai đoạn trước, xuống còn 33 nghề (16 nghề nông nghiệp, 17 nghề phi nông nghiệp). “Việc Hà Nội chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn kết người học với thị trường việc làm giúp cho công tác dạy nghề đi vào thực chất”, bà Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định.

Đồng thời, các địa phương căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp. Điển hình như việc phát triển mô hình đào tạo nghề may công nghiệp, giúp người lao động đạt mức thu nhập bình quân 2,5-6 triệu đồng/tháng sau khi học nghề. Mô hình làng nghề phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề mây, tre, giang đan tại huyện Chương Mỹ mang đến cho người lao động thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/ tháng. Mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức… cho thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng...

Nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia đào tạo nghề mang lại nhiều hiệu quả. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết, những năm gần đây, công ty đã phối hợp với các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai… tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động; đồng thời thu mua, bao tiêu sản phẩm do các học viên sản xuất ra sau khi hoàn thành các khóa học.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm là lao động thuộc hộ gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất, người khuyết tật còn khả năng lao động… Việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn Hà Nội được đánh giá là biện pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, bền vững, qua đó thúc đẩy cơ cấu kinh tế ở nông thôn chuyển dịch dần 

từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, dịch vụ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học nghề có việc làm ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.